Biểu tượng website Khó ăn cát bê tông

Koha hoá thân thành con khủng long Tyrannosaurus nằm trong tủ lạnh ở thư viện

Nếu không có sự nhầm lẫn về “A.I chạy bằng cơm”, đâu đó khoảng từ năm 2010 Koha được giới thư viện Việt Nam đề cập đến, giờ đây gọi là trend đó bạn. Nnưng thực sự mà nói, đến năm 2013 khi mà có một công ty tên là Đi và Eo Cóp cung cấp phần mềm này dưới dạng dịch vụ, giải pháp thư viện Koha mới “bốc đầu” ở Việt Nam.

Sau đó không lâu, dân thư viện ở các thư viện trung tâm học liệu các đại học, cao đẳng, học viện, viện Việt Nam mới cảm thấy đây là một thứ quá lợi hại. Là một người từng tự dựng phần mềm cho thư viện sử dụng, trước đó đã dùng phần mềm khác của Big Four, người viết dám khẳng định không ngoa rằng Koha đủ sức đánh bại các phần mềm thư viện thương mại của các công ty Big Four, Big Five về phần mềm thư viện ở Việt Nam. Nhưng vì nó khủng quá nên nhiều thư viện không dám đụng đến Koha, họ cảm thấy như thỉnh một nhà máy giết mổ gia súc để về xử lý một con lợn cắp nách.

Lý do Koha trở nên được triển khai ở nhiều thư viện có nhiều, nhưng có lẽ sau 2004, việc sử dụng phần mềm lậu là quá nguy hiểm. Hệ quả, các công ty big 4, 5 kia sẽ làm đại lý các phần mềm làm nền cho phần mềm thư viện (Windows, hệ quản trị cơ sở dữ liệu) để rồi có một phần mềm chạy được sẽ là một cục tiền.. Hầu hết các thư viện không đủ sức mua (nếu tự thân, không có các dự án tài trợ).

Phiên bản Koha hiện tại 2023
Phiên bản Koha hiện tại khi viết bài này

Bên cạnh đó ở một số trường đại học, bên bộ phận công nghệ thông tin và thư viện gắn kết với nhau nên có người có thể chỉnh chọc được Koha. Hoặc một số thư viện đại học, học viện dám mạnh dạn đề xuất nhà trường tuyển dụng dân CNTT vào làm với quyết tâm dùng Koha cho bằng được vì bực mình các phần mềm của mấy “ông lớn” kia đã hết tuổi đời, mấy ổng làm ỏng làm eo hoặc trả lời dứt khoát ngừng hỗ trợ, yêu cầu dùng phiên bản mới kiểu “bình mới rượu cũ”.

Chúng tôi dùng từ Tyrannosaurus để nói về Koha

Cũng không biết nên giải thích như thế nào cho dân ngoại đạo CNTT hoặc từng nhúng tay vào một dự án CNTT về quy mô của Koha ra làm sao. Thôi thì, đành nói với bạn rằng Koha phải dùng đến công cụ Bugzilla để quản lý quá trình phát triển phần mềm, theo dõi lỗi.

Những dự án dùng Bugzilla thường có số dòng code lớn hơn 500 ngàn dòng (một trang A4 khoảng 38 dòng => in ra hết hơn 13 ngàn trang A4, 1000 trang = 2 ream giấy, vậy tốn hết 26 ream giấy.

Một con số thống kê vào thời điểm 2010 trên trang Koha như sau:

Koha ILS như thế nào vàn năm 2010?

Ngày nay, sau hơn một thập kỷ, con số thống kê mà chúng tôi có được:

Khi đăng nhập vào trang quản trị của Koha, bạn sẽ cảm thấy chóng ngất ngây bởi vì có hàng vài chục trang, mỗi trang có vài chục thông số cấu hình:

Chức năng tùy biến hệ thống của Koha

Để có thể điều chỉnh các thông số cấu hình không thôi, bạn phải là vừa dân CNTT, phải vừa là dân thư viện thì may ra, hoặc ít nhất có 2 người hợp tác với nhau và người nào cũng có thể đọc hiểu tiếng Anh chuyên ngành.

Vậy đó, đã và đang có chuyện rằng một số thư viện ở Việt Nam thích hoành tráng, lãnh đạo chủ quan duy ý chí. Kết quả là mang Koha về dùng để rồi thủ thư không đủ trình để loay hoay với nó, kỹ sư công nghệ thông tin cũng chạy độ với Koha luôn. Các đơn vị thuê công ty chuyên dịch vụ về triển khai Koha cũng được những ngày đầu.

Rất hiếm hoi, chỉ có số lượng chưa đầy một bàn tay số đơn vị khai thác Koha hiệu quả bởi họ là sự hợp tác của phòng CNTT và thư viện với quyết tâm cao của lãnh đạo cấp trên của hai đơn vị hoặc 2 đơn vị đó vốn được quản lý chung.

Vì sao nhiều thư viện trên thế giới chọn dùng Koha?

Theo tổ chức ALA (tạm dich: Hiêp hội Thư viện Hoa Kỳ) thì trên thế giới có ít nhất 4.705 thư viện dùng Koha. Có những thư viện dùng cả hệ thống liên kết với nhau, ví dụ như ở Thổ Nhĩ Kỳ có cả ngàn chi nhánh thư viện kết nối với nhau. Họ làm được điều đó vì Koha có khả năng tùy biến mở rộng rất tốt, được trang bị những giao thức hỗ trợ liên thông thư viện cực kỳ tuyệt vời.

Koha đã có một lịch sử phát triển gần 1/4 thế kỷ, ngay từ thời Internet còn chưa phổ biến ở các nước đang phát triển.

Koha là phần mềm nguồn mở, tự do cho nên không cần nói đến chi phí để sử dụng nhiều hay ít, mắc hay rẻ. Đây là điểm mà các phần mềm thương mại hay biện luận rằng dùng nguồn mở tốn tiền hơn bởi vì khó sử dụng, đào tạo tốn kém, không ai lo về bảo mật… Toàn là những thứ mang tính hù dọa.

Nếu bạn có theo dõi câu chuyện LInux với Windows sẽ rõ. Các công ty bán phần mềm nguồn đóng thương mại luôn hù dọa người dùng khi khách hàng liếc mắt qua thế giới nguồn mở. Hù dọa nguồn nuôi sống các công ty này, có phải là đạo đức? Lạ thật! Trong khi đó, đố bạn tìm thấy ở đâu bên cộng đồng nguồn mở hù dọa bạn khi bạn mua phần mềm thuơng mại nguồn đóng.

Vấn đề không phải ở chỗ tiền bạc hoặc phần mềm thuơng mại xuất sắc ra sao, mà là với phần mềm nguồn đóng thuơng mại người dùng không thể chỉnh chọc vào phần mềm theo cách mà tính năng phần mềm không trang bị sẵn, làm vậy bị xem là vi phạm pháp luật. Bấy nhiêu thôi, để thấy tinh thần tự do quan trọng như thế nào. Chọn phần mềm nguồn mở không phải bởi nó miễn phí mà bởi nó tự do.

Ngày nay cộng đồng Koha là một cộng đồng nguồn mở “có số má”. Không chỉ những người làm thư viện, lập trình viên Perl mà những người truy cập Internet hoặc du khách cũng có thể vô tình biết đến Koha.

Biểu tượng của Koha ILS (gọi ngắn là Koha)

Koha ILS còn là phần mềm được các tổ chức quốc tế uy tín khuyên dùng bởi vì nó được phát triển liên tục, luôn cập nhật những tính năng mới, theo kịp thời đại.

Cộng đồng người dùng vô cùng đông đảo nên đã tạo ra nhiều thứ để hỗ trợ hệ sinh thái phần mềm từ nhà cung cấp dịch vụ cài đặt, tùy biến Koha, tài liệu tập huấn, tra cứu, thêm tính năng, giao lưu giữa những người dùng phần mềm.

Các thứ “học liệu” khác để bất cứ ai đọc được tiếng Anh khi truy cập vào trang web cộng đồng Koha đều tìm thấy vấn đề của mình. Nếu chưa tìm thấy thì có thể đặt câu hỏi để cộng đồng hỗ trợ. Những ai am hiểu Koha có thể hào phóng chia sẻ đến cộng đồng. Thật là một hệ sinh thái tốt lành, xanh mát.

Hàng năm còn có những hội thảo về Koha rất chất lượng, nơi quy tụ nhiều thủ thư tài năng, nhiều tiếng nói có trọng lượng trong làng thư viện và lập trình phần mềm dùng cho thư viện.

Ưu điểm vượt trội của Koha so với các phần mềm khác ở Việt Nam

Nếu để liệt kê từng thứ và so sánh, có thể hàng chục thứ hay ho có trong Koha mà hạ đo ván bất cứ phần mềm thuơng mại nguồn đóng nào của các công ty Việt Nam, thậm chí trên cả thế giới.

So găng phần mềm thư viện
So găng phần mềm thư viện

Nhưng thôi, liệt kê kỹ lưỡng ra, có khi bài viết này vô tình đập bể nồi cơm của các đơn vị phát triển phần mềm thư viện Việt Nam. Chỉ xin nêu 2 món:

Khả năng kết xuất báo cáo

Koha cho phép bạn kết xuất ra nhiều loại báo cáo khác nhau rất linh hoạt. Một số báo cáo này có ví dụ mẫu sẵn trên trang cộng đồng Koha, bạn chỉ cần lấy về dùng mà thôi. Còn nếu muốn có những báo cáo cực kỳ chi tiết, chuẩn chỉnh cho riêng bạn, chỉ cần bỏ ra vào buổi học ngôn ngữ truy vấn SQL là bạn có thể tạo ra các báo cáo xịn sò.

Một số phần mềm ở Việt Nam khi xuất ra báo cáo ở dạng cứng nhắc, cố định, đố bạn định dạng lại được trang in, cũng không thể lấy dữ liệu ra ngoài để in trên Excel được. Vì thế mà các trang in đôi khi nham nhở để thảm hại, người đọc nhìn vào tưởng máy in bị làm sao hoặc đây là bản soạn thảo văn bản in nháp của ai đó đang học Word, Excel cũng nên. Koha giải quyết dễ dàng, báo cáo lấy ra dùng Excel định dạng thoải mái, in ra kiểu gì là tùy vào trình độ tin học văn phòng của bạn.

Đó là chưa kể bạn còn có thể bổ sung thêm các plugin trình cắm nếu bạn có thể tạo ra hoặc sưu tầm trên trang cộng đồng Koha. Rồi còn những chức năng thuật sĩ/ phù thủy hữu ích dẫn bạn từng bước để tạo ra một báo cáo thơm phưng phức nếu bạn là người chưa thành thạo sử dụng phân hệ báo cáo. Rồi còn có thêm chức năng từ điển các kiểu.

Ôi thôi, nên dừng lại ở đây, nói thêm nữa có khi đi lạc xa lắc xa lơ ra khỏi lĩnh vực phần mềm thư viện.

Dịch vụ web (web services)

Thời kỳ “hậu Web 2.0” bạn lên mạng mà không nghe đến APIs thì xem như bạn gần như “không biết gì về điện”. Các ứng dụng trên điện thoại, truy cập các dịch vụ công, ngân hàng, bảo hiểm,… ngay cả những thứ đơn giản như blog cũng là những API để các máy tính nói chuyện với nhau.

Ngành thư viện trước đây đã đi trước thời đại so với nhiều ngành khác, bởi vì khi Internet phát triển, các trường đại học, học viện viện nghiên cứu là những người tiếp cận sớm, nếu không muốn nói sớm nhất. Những thứ ấy áp dụng vào thư viện thành các giao thức mà bạn từng nghe rủng roẻng nhưng không hiểu gì khi đọc tạp chí thư viện, nghe thuyết trình ở các hội thảo thư viện như Z39.50, SIP, OAI-PMH,… Chúng hiện diện ở Koha, có thêm REST API thuận tiện hơn rất nhiều trong việc kết nối với những lập trình viên ít hiểu biết về các giao thức thư viện cổ xưa. Đó là chưa kể mấy cái giao thức để xác thực việc đăng nhập trong môi trường cần bảo mật cao hoặc nhiều người dùng, cơ cấu tổ chức phức tạp, các giao thức như LDAP, OAuth2, Shibboleth,…

Web services – thật dễ hiểu qua một bức hình(!?)

Các phần mềm thư viện Việt Nam thì mấy thứ vừa kể ở trên rất cùi bắp, nói hẳn vậy luôn.

Còn một món nữa cũng là ưu điểm Koha nhưng bài viết này không muốn nhấn mạnh vì so sánh Koha với các phần mềm thuơng mại nguồn đóng thì các phần mềm kia khó mà làm được: khả năng cho phép bạn phát triển các mô-đun lắp vào chạy. Nói cách khác, đây là khả năng mở rộng phần mềm theo ý của bạn nếu bạn biết viết mã, lập trình. Điều này với các phần mềm thư viện của các công ty phần mềm Việt Nam là bất khả thi về mọi mặt, lực bất tòng tâm. Lý do? Đáp: phần mềm thư viện không phải là thứ màu mỡ, thị trường hàng nhiều triệu đô-la để họ có thể làm như các phần mềm dạng ví điện tử, giao dịch tài chính ngân hàng nên họ mà tạo các chức năng thú vị như Koha, họ có nước ra đê ở.

Tui là trưởng bộ phận hoặc giám đốc một thư viện khá lớn, tui muốn phiêu lưu cùng Koha

Thật tuyệt nếu bạn đang thực lòng nói câu trên, và cũng dành lời khen ngợi cho bạn bởi vì bạn rất dũng cảm. Bạn đang dám đặt cược “chiếc ghế” của bạn vào ván bài tin học hóa/ tự động hóa thư viện với một giải pháp nguồn mở tiêu chuẩn quốc tế.

Ở thời điểm hiện tại, ngày nay cái việc này đang được dùng như một thứ trang sức lấp lánh, được gọi là “chuyển đổi số”. Thực ra, chuyển đổi số liên quan đến phưong thức và con người. Phần mềm, giải pháp chỉ là công cụ. Con người không chấm bốn sống trong thời đại bốn chấm không, mà lại trực tiếp tham gia vào lãnh đạo chuyển đổi số sẽ thảm họa. Trong thực tế, kết quả những tuyên bố về chuyển đổi số mà thiếu năng lực số chỉ là món cầy xáo măng nhưng thiếu cả cầy lẫn măng.

Theo thiển ý của bài này, bạn cần team 4 người: 2 người phát triển phẩn mềm ở mức Senior Dev và 2 thủ thư có ít nhất 3 năm trong nghề mỗi người, kinh qua nhiều vị trí khác nhau trong thư viện, từ nghệp vụ cho đến phục vụ. Bạn cũng hỏi xem khả năng tiếng Anh của “bè lũ bốn tên” như thế nào nhé, phải tưong đuơng cỡ IELTS 6.0 trở lên vài liệu để tìm hiểu về Koha đều bằng tiếng Anh.

Khi có đủ “tứ quái” đạt tiêu chuẩn kể trên rồi, hãy giao dự án cho họ trong nửa năm họ sẽ là xong. Nếu họ làm không xong, trước khi sa thải cả 4 vì hóa ra bè lũ đều phường bẻm mép, năng lực kém, bạn hãy sa thải chính mình.

Tui muốn thử dùng Koha mà không đủ trình để cài?

Ồ ồ, bài viết này phải hét lên với bạn rằng bạn rất đáng khen, có tinh thần học hỏi, muốn thử một thứ chưa làm lần nào trong đời, không ngán sợ cái mới lạ… Được lắm, nào, hãy nghe chúng tôi nói, bạn có ngay Koha trong tay để dùng. Nào, ta ngồi lên tàu lượn để phiêu lưu nhé.

Ghé ngay vào trang này: https://koha-community.org/demo/ sẽ thấy ra một bảng có nhiều phiên bản:

Các phiên bản Koha gần đây

Hoa mắt hỉ? Chọn cái nào ở danh sách trên? Mẹo: chọn phiên bản gần nhất, số đầu tiên chỉ năm, sau dấu chấm chỉ tháng. Ví dụ: 23.05 là phiên bản tháng 5 năm 2023. Nếu bạn đọc bài này sau tháng 11 năm 2023 bạn sẽ thấy có phiên bản 23.11 trên danh sách.

Vậy thì, chọn phiên bản nào có chữ MARC21 vì nó là quốc tế, còn USMARC sử dụng ở Mỹ. Click vào OPAC nếu muốn trải nghiệm giao diện bạn đọc, còn lại thì click vào Staff interface để đăng nhập vào giao diện dành cho thủ thư. Mật khẩu đã cung cấp trên đó.

Cũng nên chọn nước nào đó có cự ly địa lý gần Việt Nam để tốc độ truy cập nhanh hơn. Điều này cũng chỉ tuơng đối, nếu thấy chậm quá thì có thể thử chọn cái khác trong danh sách.

Thay cho kết bài

Bài viết này có những đoạn, câu, cụm từ được trí tuệ nhân tạo viết mà không phải là một người nào cụ thể. Chính vì vậy, nếu bạn muốn bê bài viết này đi đâu khác hoặc trích dẫn vào bài của bạn, cứ thoải mái. Tuy nhiên đừng nói là của bạn viết mà phải áp dụng đúng luật về trích dẫn trong lĩnh vực viết bài đăng tạp chí khoa học, hoặc nếu điều đó quá khó, bạn hãy bát chước dân báo chí.

Đăng tại Chưa phân loại