Biểu tượng website Khó ăn cát bê tông

Tháng: Tháng Mười 2023

Chấm dứt nỗi đau quản lý mật khẩu với Bitwarden

Bài này nói về việc quản lý mật khẩu tập trung để sử dụng dễ hơn, còn có an toàn hơn như một số người nói thì đó là việc bạn tự xét lấy, vì cái đó khó có thể biết đâu là đâu. Bài chia làm 2 phần, nều bạn có sử dụng Lastpass và muốn chuyển sang Bitwarden thì đọc phần 1 và 2, còn nếu bây giờ chỉ muốn sử dụng Bitwarden thì kéo xuống đọc luôn phần 2.

Phần một: xuất dữ liệu ra từ Lastpass

Chúng tôi sử dụng Lastpass từ lâu rồi, từ trước khi Lastpass được LogmeIn mua lại. Không nhớ chính xác thời điểm sử dụng Lastpass nhưng nhớ thời đó nó như một ngôi sao trên bầu trời. Nhưng một ngày, khi Firefox 57 ra đời thì bắt đầu chệch choạc, nỗi đau bắt đầu xuất hiện.

Nhưng vì chỉ sử dụng trên máy tính chạy Linux với trình duyệt Firefox mà thôi, cũng không có nhiều mật khẩu để quản lý, cũng chẳng xài app iếc gì trên điện thoại nên mất công login vào web của Lastpass và dùng khi chờ đợi có bản phát hành tương thích với Firefox 57.

Sau khi đã tương thích được Firefox 57 rồi, giá cứ tăng liên tục mới đầu đâu đó 1$/ tháng, giờ đã lên 2$. Mà tăng giá thôi không nói, có thể do trượt giá, gì gì đó thì ai chê mắc có thể chọn dịch vụ khác. Chúng tôi sử dụng cá nhân nhưng cứ được gợi ý mấy thứ liên quan doanh nghiệp… liên tục chào mời nâng cấp các kiểu, với giá cũng ngán.

Chuyện giá cả cũng bỏ qua một bên nhưng việc ôm đồm nhiều thứ vào bắt đầu khiến cho bản chất quản lý mật khẩu đã trở thành mớ hỗn độn: không thể login, chậm trình duyệt, thao tác nạp lên quá lâu,… khiến cho chất lượng dịch vụ ngày càng đi xuống, xa rời giá trị cốt lõi ban đầu.

Vậy là hôm nay đây, chúng tôi nghỉ chơi với Lastpass, chuyển sang một dịch vụ khác dù có thể còn nhiều tháng nữa mới phải gia hạn tiếp theo, giờ chưa phải bỏ tiền. Nhưng chúng tôi quyết định nhảy khỏi tàu Titanic để chấm dứt nổi đau.

Xuất dữ liệu khá đơn giản, click vào biểu tượng của Lastpass trên khu vực Addons của Firefox (hoặc Extension trên Google Chrome), click ngay nút Vault to, đỏ dễ thấy:

Mở Vault (kho chứa mật khẩu của Lastpass)

Đưa bạn đến với một màn hình khá nhiều mục, nhìn vô thôi là chúng tôi cảm thấy hết muốn sử dụng Lastpass rồi, không như những ngày đầu đơn giản của nó nữa:

Click vào Các tuỳ chọn nâng cao, click tiếp Export trong menu hiện lênfile CSV

Bạn sẽ được một file CSV chứa toàn bộ mật khẩu của bạn. Có thể mở xem bằng Excel được, hoặc mở bằng trình soạn thảo văn bản thô như Notpad cũng có thể xem được.

Dữ liệu này lát nữa sẽ import vào Bitwarden thay cho việc bạn sẽ phải nhập thủ công hoặc copy & paste vào Bitwarden. À, mà bạn có thể xoá bỏ những thứ không còn dùng trong file CSV khi bạn xem nó để nó gọn nhẹ hơn, tránh import dữ liệu rác không hữu ích vào Bitwarden.

Phần hai: sử dụng Bitwarden như một pờ-rồ

Phần này chúng tôi mô tả 2 cách sử dụng, nếu bạn là người sử dụng bình dân thông thường, không phải dân CNTT thì có thể dừng lại ở cách 1 là đủ phê rồi, dư xài và không cần làm gì rắc rối. Nhưng nếu bạn là dân học CNTT hoặc tự tin rằng bạn có đủ kỹ năng IT như một ngôi sao văn phòng mà chỉ dừng lại ở cách 1 thì chúng tôi… thè lưỡi ra, lêu lêu bạn.

Cách 1: dùng cho người dùng phổ thông, thông thường

Giả sử bạn sử dụng trình duyệt Google Chrome, mở trang web này https://chrome.google.com/webstore/category/extensions lên rồi tìm kiếm từ Bitwarden, ra như sau là chính chủ:

Cài Extension Bitwarden
Tìm thấy Bitwarden Extension trên kho Chrome Web Store của Google

Tới đây bạn có lẽ biết cách cài, nếu không biết nhìn đâu đó có nút Add to Chrome thì click để cài. Cài xong bạn sẽ nhfin thấy biểu tượng tấm khiên nửa xám nửa trắng trên khu vực Extension của Chrome. Nếu không nhìn thấy, click vào biểu tượng mảnh ghép và tìm trong danh sách rồi pin biểu tượng Bitwarden ra bên ngoài để tiện sử dụng.

Khởi tạo tài khoản Bitwarden
Các thông tin cần thiết cho một tài khoản

Chỉ mất 15 đến 20 giây điền thông tin, Submit là bạn đã có tài khoản Bitwarden. Sau khi có tài khoản Bitwarden là có thể đăng nhập sử dụng ngay. Nhập Master password thành công, lập tức biểu tượng Bitwarden trên trình duyệt sẽ đổi màu, nền màu xanh dương ngay, cho thấy tình trạng đăng nhập thay vì xám là chưa đăng nhập hoặc đã thoát.

Giờ đây, bạn đã có thể sử dụng Bitwarden. Đăng nhập https://vault.bitwarden.com/ với tài khoản vừa tạo để import file CSV (nếu có) từ kết quả xuất ra từ Lastpass. Lần đầu tiên đăng nhập, Bitwarden sẽ hiện hướng dẫn bạn xác thực lại email để có thể sử dụng các tính năng.

Từ giờ trở đi, mỗi khi bạn tạo tài khoản và/ hoặc đăng nhập, Bitwarden sẽ hiện lên để hỏi bạn có lưu mật khẩu hay không.

Cách 2: bạn là dân IT? Thử sức cài cắm phức tạp chơi cho vui

Vì Kacbt sử dụng hệ điều hành Ubuntu trên môi trường Desktop và các hệ điều hành họ Linux cho môi trường server, hosting nên truy cập hướng dẫn từ chính chủ Bitwarden để triển khai môi trường hoạt động.

Hướng dẫn tự triển khai Bitwarden

Nếu bạn sử dụng Windows, bạn truy cập Hướng dẫn để có thể làm theo. Vì việc khá phức tạp nên có thể bạn làm như chúng tôi: in bản PDF ra và nghiền ngẫm, vừa đọc giấy để hiểu, sau đó gõ lệnh hoặc thao tác chuột trên máy tính.

Chúng tôi chỉ xin tóm tắc lại các bước làm mà chúng tôi đã trải qua để bạn có thể hình dung, còn chi tiết, cứ theo tài liệu Bitwarden như 2 link đã giới thiệu ở trên.

  1. Kiểm tra yêu cầu về môi trường phần cứng có đáp ứng? Nếu chưa đáp ứng thì tìm kiếm, đầu tư để đáp ứng hoặc dừng ngay cuộc chơi từ đầu vì không theo nổi. Chúng tôi có vài máy chủ chạy Linux với 32GB RAM, ổ cứng tới hơn 1TB nên dư sức để thử nghiệm.
  2. Nếu dùng Windows cài Docker Desktop, nếu Linux cài Docker Engine và Docker Compose để làm môi trường cho Bitwarden hoạt động. Không nên tự cài thủ công Bitwarden trừ khi bạn là một chuyện gia giỏi về DevOps.
  3. Thực hiện cài đặt Bitwarden.
  4. Cấu hình sau cài đặt
  5. Khởi động Bitwarden để sẵn sàng quản lý mật khẩu của bạn.

Không giấu gì bạn đọc, Kacbt mất gần một tuần mới có thể thực hiện xong. Hiện tại rất hài lòng với quản lý mật khẩu “nhà làm” dựa trên “nguyên liệu làm món trà sữa Bitwarden”.

Đăng tại Chưa phân loại

Cài đặt WordPress trên localhost XAMPP hướng dẫn có hình minh hoạ

Cài đặt WordPress trên máy chủ Web XAMPP trên localhost của bạn. Bài viết này hướng dẫn rất nhanh, gọn nhẹ. Chúng tôi đã thử thực hiện và thấy rằng có thể chỉ trong vòng tối đa 10 phút là xong.

Các bước tiến hành rất nhanh, bạn lần lượt là theo sau đây.

  1. Chuẩn bị máy chủ web XAMPP được cài trên máy tính như là localhost
  2. Download mã nguồn WordPress tại đây.
  3. Giải nén ra được thư mục wordpress, F2 đổi tên nếu muốn dùng tên khác, tên nên là tiếng Việt không dấu, không khoảng trắng, không ký tự đặt biệt (cái này không biết thì nên đi học lại tin học căn bản vì dùng máy tính kiểu tự vọc rất nguy hiểm :D)
  4. Di chuyển thư mục wordpress ở (2) vào thư mục C:\xampp\htdocs hoặc D:\xampp\htdocs (tuỳ theo trước đó bạn cài đặt XAMPP ở ổ đĩa C: hay D:). Hoặc nhấp đúng để vào bên trong thư mục wordpress để copy hoặc cắt tất cả những thư mục bên trong và chép vào htdocs nếu muốn cài WordPress ngay lên thư mục gốc mà không dùng thư mục con
  5. Dùng trình duyệt Web nhập localhost/phpmyadmin lên để tạo cơ sở dữ liệu.
  6. Thực hiện cài đặt WordPress.

Xem lần lượt cái hình minh hoạ sau sau bạn sẽ rõ cách làm các bước trên.

Tải về mã nguồn WordPress tại wordpress.org/download/
Xả nén WordPress và đưa vào thư mục của localhost web server XAMPP
Dùng phpMyAdmin để tạo dữ liệu trên MySQL hoặc MariaDB

Sau đây là các bước cài WordPress khi gõ localhost/wordpress

Chọn ngôn ngữ giao diện mà bạn đọc được
Bấm nút Let’s go mà thôi
Điền thông số vào các ô cần thiết và bấm Submit
Kiểm tra thông số CSDL ổn, chỉ click nút mà thôi
Điền các thông số vào các trường (1), (2), (3) và ghi lại mật khẩu
Đến đây, cài đặt đã xong, click để đăng nhập quản trị

Bạn vừa trải qua các bước cài đặt WordPress trên localhost. Đơn giản phải không nào?

Việc cài đặt WordPress trên hosting cũng tương tự mà thôi.

Đăng tại Chưa phân loại

phpMyAdmin dùng quản trị cơ sở dữ liệu MySQL hoặc MariaDB

MySQL, MariaDB được dùng rất phổ biến để làm cơ sở dữ liệu chính thức cho các dự án nguồn mở, các trang web dùng ngôn ngữ lập trình PHP, Python. Cơ sở dữ liệu này rất thường đi chung với PHP đến mức tạo thành thuật ngữ LAMPP/ LEMP stack. PHP thì là một ngôn ngữ lập trình khá bẩn bựa, khi mà số lập trình viên viết mã mức nghiệp dư rất đông đảo dẫn đến một ca khá hài hước: người viết code không có khả năng đánh lệnh để làm việc với dữ liệu. Công cụ GUI cho MySQL lại không có sẵn hoặc mua đắt tiền, cũng như kết nối từ client lên server từ xa lại không phải là cách dùng phổ biến khi dùng MySQL, MariaDB. Đó chính là lý do khởi đầu để rồi phpMyAdmin trở thành một đế chế.

phpMyAdmin có giao diện như thế nào?

Khẩu hiện của phpMyAdmin đó là “mang MySQL lên Web” (Bringing MySQL to the web), và họ không hề hô khẩu hiệu tí nào. phpMyAdmin là một mã nguồn mở được tích hợp như công cụ mặc định để quản trị MySQL/ MariaDB trên các web panel thông dụng dùng ở shared hosting của hàng ngàn nhà cung cấp hosting khắp thế giới.

Cửa sổ đăng nhập phpMyAdmin

Ngay sau đăng nhập, một màn hình được chia 2 phần: một dải bên trái liệt kê các cơ sở dữ liệu đang có với quyền của người dùng vừa đăng nhập, và phần hiển thị lớn bên phải làm màn hình hiển thị, thao tác, nhập liệu chính.

Màn hình chính phpMyAdmin

Nếu bạn là dân nghiệp dư, chỉ là làm web kiểu cài đặt WordPress thì cũng nên biết sơ qua một phần mềm dùng để thao tác với cơ sở dữ liệu luôn loanh quanh các thao tác CRUD (create – tạo, read – đọc, update – sửa/ cập nhật, delete – xoá) hoặc gọi nhanh là tạo, đọc, sửa, xoá. Vậy thì, phpMyAdmin cung cấp các chức năng này, nó giống bảng điều khiển của thiết bị mấy móc vậy. Trong khi đó MySQL hoặc ariaDB là phần động cơ, lõi của máy móc.

Các thành phần chính của phpMyAdmin

(1) cho bạn biết bạn đang thao tác trên cơ sở dữ liệu, cái này rất quan trọng đối với những người có nhiều cơ sở dữ liệu giống nhau, mỗi cái tương ứng với một website, không chú ý thao tác nhầm có thể nguy hiểm.

(2) thanh menu cung cấp tất cả chức năng liên qua đến CRUD và xem thông tin mọi mặt của MySQL và của môi trường server, của bản thân phpMyAdmin.

(3) đến (8) là những cửa sổ thông tin cho biết một số thứ người dùng thường cần biết, xem được ngay mà không cần phải lục lọi trong hệ thống menu (2) phức tạp.

Ngoài ra, còn có một thanh ở chân trang màn hình, ở đó có thể là trạng thái hoặc lời cảnh báo hệ thống đang có vấn đề gì đó nghiêm trọng cần khắc phục, xử lý.

Làm quen với phpMyAdmin kiểu thực hành cho dân chưa biết gì

Sử dụng phpMyAdmin trong thực tế không cần mất tiền, bạn chỉ cần có tin thần hỏi hỏi, rất nhiều “phòng thực hành ảo” trên mạng hoàn toàn miễn phí, đủ chức năng để bạn luyện tập. Nào, chúng ta thử ngay và luôn nhé.

Truy cập vào trang https://demo.phpmyadmin.net/STABLE/index.php , ở mục Username: điền root rồi bấm nút Log in bên dưới (cuối trang). Bạn có thể chọn tiếng Việt trên đó nếu không tự tin với tiếng Anh. Chúng tôi khuyên cứ để tiếng Anh vì vọc IT mà tiếng Việt có nhiều khi không hiểu được, từ ngữ nghe cứ xa lạ.

Thử tạo một cơ sở dữ liệu mới, đặt tên luôn là tiếng Anh hoặc việt không dấu, dùng chữ thường, không chứa khoảng trắng, không ký tự đặc biệt, không bắt đầu bằng con số.

Các bước tạo một cơ sở dữ liệu rỗng trên phpMyAdmin

Lần lượt thực hiện các bước như trên hình, chỉ lưu ý (3) luôn luôn chọn như vậy về sau khi bạn sử dụng trong thực tế vì Unicode gần như là bảng mã chuẩn mực cho các nội dung hỗ trợ mọi ngôn ngữ trên thé giới hiện nay.

Sau (4), một thông báo No tables found in database. hiện ra, đây không phải là lỗi hay vấn đề gì nghiêm trọng cả, bởi vì cơ sở dữ liệu mới tạo ra là rỗng hoàn toàn. Nếu bạn thực hành về cơ sở dữ liệu quan hệ bạn có thể tiếp tục tạo các bảng, các trường (cột) dữ liệu. Còn nếu chỉ là dân nghiệp dư, tới đây xem như xong, phần còn lại có thể là bạn import dữ liệu có sẵn vào hoặc phần mềm khi cài đặt sẽ làm giúp bạn.

Thao tác với phpMyAdmin cho dân làm Web

Xin nói luôn là ở đây chỉ hướng dẫn ở mức nghiệp dư, bạn đã là dân chuyên nghiệp hoặc đi chỗ khác chơi hoặc gửi bài thêm cho chúng tôi, đừng có đọc rồi phàn nàn rằng bài viết không phù hợp với khẩu vị nhé.

Trong web panel của bạn (chúng tôi nghĩ rằng hoặc bạn sử dụng cPanel hoặc DirectAdmin) mở phpMyAdmin ra, dưới đây minh hoạ với cPanel:

Truy cập phpMyAdmin từ/ trong cPanel
Truy cập phpMyAdmin trong DirectAdmin

Trên màn hình chính DirectAdmin đánh mắt sang bên phải, góc trên có mục Quick Link xem có phpMyAdmin ở đó thì click cho nhanh.

Bạn thử tạo một cơ sở dữ liệu rỗng rồi Import dữ liệu có sẵn vào xem sao nhé. Thao tác khá dễ, trông giống như sau:

Import dữ liệu sinh viên, dùng phpMyAdmin

Hãy tìm kiếm dữ liệu với các từ khoá được gọi ý như là MySQL dump data sample, sql file MySQL for practices, hoặc vào đây https://www.mysqltutorial.org/mysql-sample-database.aspx

Vậy là bạn đã có một thoáng lướt qua một phần mềm quản trị cơ sở dữ liệu trên nền Web rất thông dụng, dễ sử dụng. Có câu hỏi nào, mạnh dạn đăng ký thành viên và thảo luận nhé.

Đăng tại Chưa phân loại

Làm một con Web server tại nhà với XAMPP

Dân làm web dạo không thể không biết đến XAMPP. Nó gần như là cái xe máy đối với người dân vậy.

Sự điên rồ và quái dị nhất, mạnh mẽ nhất của XAMPP đó là nó có phiên bản chạy cho cả máy tính Windows, MacOS (máy tính quả táo Apple), và ngay cả bạn dùng hệ điều hành họ Linux bạn vẫn dùng XAMPP ngon lành.

Chỉ có điều, dân dùng Linux thường tin rằng họ đủ trình để tự cài cắm này nọ nên cũng ít dùng XAMPP. Nếu dùng, họ cài trên Windows khi máy có nhiều hơn một hệ điều hành hoặc họ có máy khác dùng Windows, hiếm khi cài trên Linux.

Cài đặt XAMPP ngay và luôn

Chú ý: chúng tôi cố ý để hình và đoạn văn hướng dẫn lẫn lộn, thứ tự hơi lộn xộn. Điều này có hơi gây khó chịu nhưng đó không phải là không có dụng ý đâu nhé: chúng tôi muốn bạn phải động não và chú tâm, khi làm là hiểu cái đang làm, tránh học vẹt.

Tải về XAMPP làm web dạo
Tải về phần mềm XAMPP
Giao diện màn hình đối thoại cài đặt XAMPP
Sửa đường dẫn thành ổ D: (nếu máy chỉ có ổ C, bạn để nguyên)
XAMPP đang cài đặt, thực hiện chép file vào ổ đĩa
Cài đặt XAMPP đã ở bước cuối

Các bước thực hiện:

  1. Tải XAMPP từ trang https://www.apachefriends.org/download.html (nên chọn phiên bản nằm ở giữa, không mới quá/ cũ quá để tương thích với mã nguồn WordPress).
  2. Cài đặt XAMPP, bỏ chọn những cái không liên quan/ không cần thiết cho việc học làm web của bạn. Chỉ giữ lại các thành phần Apache, MySQL, phpMyadmin.
  3. Khởi động 2 thành phần là Apache và MySQL bằng cách bấm nút
  4. Mở trình duyệt lên, nhập http://localhost/
Tìm XAMPP trong kho phần mềm trên máy của bạn
Khởi động XAMPP

Màn hình truy cập localhost khi cài đặt thành công & khởi động thành công XAMPP:

Màn hình chào của trang web mặc định của XAMPP

Thử click phpMyAdmin trên menu ở vị trí ở hình bên trên xem có truy cập được không. Nếu thấy hiển thị lỗi, hãy comment bên dưới để chúng tôi giúp hỗ trợ.

Hoặc bạn có thể gỡ bỏ XAMPP bằng cách vào D:\xampp tìm đến file có từ Uninstall/ Uninstaller để chạy (nhớ mở XAMPP Control Panel lên để Stop Apache, MySQL trước khi chạy Uninstaller). Sau đó, download XAMPP bản Portable tại đây: https://is.gd/NBWUOc và giải nén vào đĩa D: và vào thư mục D:\xampp để chạy XAMPP Control Panel.

Đăng tại Chưa phân loại

Koha hoá thân thành con khủng long Tyrannosaurus nằm trong tủ lạnh ở thư viện

Nếu không có sự nhầm lẫn về “A.I chạy bằng cơm”, đâu đó khoảng từ năm 2010 Koha được giới thư viện Việt Nam đề cập đến, giờ đây gọi là trend đó bạn. Nnưng thực sự mà nói, đến năm 2013 khi mà có một công ty tên là Đi và Eo Cóp cung cấp phần mềm này dưới dạng dịch vụ, giải pháp thư viện Koha mới “bốc đầu” ở Việt Nam.

Sau đó không lâu, dân thư viện ở các thư viện trung tâm học liệu các đại học, cao đẳng, học viện, viện Việt Nam mới cảm thấy đây là một thứ quá lợi hại. Là một người từng tự dựng phần mềm cho thư viện sử dụng, trước đó đã dùng phần mềm khác của Big Four, người viết dám khẳng định không ngoa rằng Koha đủ sức đánh bại các phần mềm thư viện thương mại của các công ty Big Four, Big Five về phần mềm thư viện ở Việt Nam. Nhưng vì nó khủng quá nên nhiều thư viện không dám đụng đến Koha, họ cảm thấy như thỉnh một nhà máy giết mổ gia súc để về xử lý một con lợn cắp nách.

Lý do Koha trở nên được triển khai ở nhiều thư viện có nhiều, nhưng có lẽ sau 2004, việc sử dụng phần mềm lậu là quá nguy hiểm. Hệ quả, các công ty big 4, 5 kia sẽ làm đại lý các phần mềm làm nền cho phần mềm thư viện (Windows, hệ quản trị cơ sở dữ liệu) để rồi có một phần mềm chạy được sẽ là một cục tiền.. Hầu hết các thư viện không đủ sức mua (nếu tự thân, không có các dự án tài trợ).

Phiên bản Koha hiện tại 2023
Phiên bản Koha hiện tại khi viết bài này

Bên cạnh đó ở một số trường đại học, bên bộ phận công nghệ thông tin và thư viện gắn kết với nhau nên có người có thể chỉnh chọc được Koha. Hoặc một số thư viện đại học, học viện dám mạnh dạn đề xuất nhà trường tuyển dụng dân CNTT vào làm với quyết tâm dùng Koha cho bằng được vì bực mình các phần mềm của mấy “ông lớn” kia đã hết tuổi đời, mấy ổng làm ỏng làm eo hoặc trả lời dứt khoát ngừng hỗ trợ, yêu cầu dùng phiên bản mới kiểu “bình mới rượu cũ”.

Chúng tôi dùng từ Tyrannosaurus để nói về Koha

Cũng không biết nên giải thích như thế nào cho dân ngoại đạo CNTT hoặc từng nhúng tay vào một dự án CNTT về quy mô của Koha ra làm sao. Thôi thì, đành nói với bạn rằng Koha phải dùng đến công cụ Bugzilla để quản lý quá trình phát triển phần mềm, theo dõi lỗi.

Những dự án dùng Bugzilla thường có số dòng code lớn hơn 500 ngàn dòng (một trang A4 khoảng 38 dòng => in ra hết hơn 13 ngàn trang A4, 1000 trang = 2 ream giấy, vậy tốn hết 26 ream giấy.

Một con số thống kê vào thời điểm 2010 trên trang Koha như sau:

Koha ILS như thế nào vàn năm 2010?

Ngày nay, sau hơn một thập kỷ, con số thống kê mà chúng tôi có được:

Khi đăng nhập vào trang quản trị của Koha, bạn sẽ cảm thấy chóng ngất ngây bởi vì có hàng vài chục trang, mỗi trang có vài chục thông số cấu hình:

Chức năng tùy biến hệ thống của Koha

Để có thể điều chỉnh các thông số cấu hình không thôi, bạn phải là vừa dân CNTT, phải vừa là dân thư viện thì may ra, hoặc ít nhất có 2 người hợp tác với nhau và người nào cũng có thể đọc hiểu tiếng Anh chuyên ngành.

Vậy đó, đã và đang có chuyện rằng một số thư viện ở Việt Nam thích hoành tráng, lãnh đạo chủ quan duy ý chí. Kết quả là mang Koha về dùng để rồi thủ thư không đủ trình để loay hoay với nó, kỹ sư công nghệ thông tin cũng chạy độ với Koha luôn. Các đơn vị thuê công ty chuyên dịch vụ về triển khai Koha cũng được những ngày đầu.

Rất hiếm hoi, chỉ có số lượng chưa đầy một bàn tay số đơn vị khai thác Koha hiệu quả bởi họ là sự hợp tác của phòng CNTT và thư viện với quyết tâm cao của lãnh đạo cấp trên của hai đơn vị hoặc 2 đơn vị đó vốn được quản lý chung.

Vì sao nhiều thư viện trên thế giới chọn dùng Koha?

Theo tổ chức ALA (tạm dich: Hiêp hội Thư viện Hoa Kỳ) thì trên thế giới có ít nhất 4.705 thư viện dùng Koha. Có những thư viện dùng cả hệ thống liên kết với nhau, ví dụ như ở Thổ Nhĩ Kỳ có cả ngàn chi nhánh thư viện kết nối với nhau. Họ làm được điều đó vì Koha có khả năng tùy biến mở rộng rất tốt, được trang bị những giao thức hỗ trợ liên thông thư viện cực kỳ tuyệt vời.

Koha đã có một lịch sử phát triển gần 1/4 thế kỷ, ngay từ thời Internet còn chưa phổ biến ở các nước đang phát triển.

Koha là phần mềm nguồn mở, tự do cho nên không cần nói đến chi phí để sử dụng nhiều hay ít, mắc hay rẻ. Đây là điểm mà các phần mềm thương mại hay biện luận rằng dùng nguồn mở tốn tiền hơn bởi vì khó sử dụng, đào tạo tốn kém, không ai lo về bảo mật… Toàn là những thứ mang tính hù dọa.

Nếu bạn có theo dõi câu chuyện LInux với Windows sẽ rõ. Các công ty bán phần mềm nguồn đóng thương mại luôn hù dọa người dùng khi khách hàng liếc mắt qua thế giới nguồn mở. Hù dọa nguồn nuôi sống các công ty này, có phải là đạo đức? Lạ thật! Trong khi đó, đố bạn tìm thấy ở đâu bên cộng đồng nguồn mở hù dọa bạn khi bạn mua phần mềm thuơng mại nguồn đóng.

Vấn đề không phải ở chỗ tiền bạc hoặc phần mềm thuơng mại xuất sắc ra sao, mà là với phần mềm nguồn đóng thuơng mại người dùng không thể chỉnh chọc vào phần mềm theo cách mà tính năng phần mềm không trang bị sẵn, làm vậy bị xem là vi phạm pháp luật. Bấy nhiêu thôi, để thấy tinh thần tự do quan trọng như thế nào. Chọn phần mềm nguồn mở không phải bởi nó miễn phí mà bởi nó tự do.

Ngày nay cộng đồng Koha là một cộng đồng nguồn mở “có số má”. Không chỉ những người làm thư viện, lập trình viên Perl mà những người truy cập Internet hoặc du khách cũng có thể vô tình biết đến Koha.

Biểu tượng của Koha ILS (gọi ngắn là Koha)

Koha ILS còn là phần mềm được các tổ chức quốc tế uy tín khuyên dùng bởi vì nó được phát triển liên tục, luôn cập nhật những tính năng mới, theo kịp thời đại.

Cộng đồng người dùng vô cùng đông đảo nên đã tạo ra nhiều thứ để hỗ trợ hệ sinh thái phần mềm từ nhà cung cấp dịch vụ cài đặt, tùy biến Koha, tài liệu tập huấn, tra cứu, thêm tính năng, giao lưu giữa những người dùng phần mềm.

Các thứ “học liệu” khác để bất cứ ai đọc được tiếng Anh khi truy cập vào trang web cộng đồng Koha đều tìm thấy vấn đề của mình. Nếu chưa tìm thấy thì có thể đặt câu hỏi để cộng đồng hỗ trợ. Những ai am hiểu Koha có thể hào phóng chia sẻ đến cộng đồng. Thật là một hệ sinh thái tốt lành, xanh mát.

Hàng năm còn có những hội thảo về Koha rất chất lượng, nơi quy tụ nhiều thủ thư tài năng, nhiều tiếng nói có trọng lượng trong làng thư viện và lập trình phần mềm dùng cho thư viện.

Ưu điểm vượt trội của Koha so với các phần mềm khác ở Việt Nam

Nếu để liệt kê từng thứ và so sánh, có thể hàng chục thứ hay ho có trong Koha mà hạ đo ván bất cứ phần mềm thuơng mại nguồn đóng nào của các công ty Việt Nam, thậm chí trên cả thế giới.

So găng phần mềm thư viện
So găng phần mềm thư viện

Nhưng thôi, liệt kê kỹ lưỡng ra, có khi bài viết này vô tình đập bể nồi cơm của các đơn vị phát triển phần mềm thư viện Việt Nam. Chỉ xin nêu 2 món:

Khả năng kết xuất báo cáo

Koha cho phép bạn kết xuất ra nhiều loại báo cáo khác nhau rất linh hoạt. Một số báo cáo này có ví dụ mẫu sẵn trên trang cộng đồng Koha, bạn chỉ cần lấy về dùng mà thôi. Còn nếu muốn có những báo cáo cực kỳ chi tiết, chuẩn chỉnh cho riêng bạn, chỉ cần bỏ ra vào buổi học ngôn ngữ truy vấn SQL là bạn có thể tạo ra các báo cáo xịn sò.

Một số phần mềm ở Việt Nam khi xuất ra báo cáo ở dạng cứng nhắc, cố định, đố bạn định dạng lại được trang in, cũng không thể lấy dữ liệu ra ngoài để in trên Excel được. Vì thế mà các trang in đôi khi nham nhở để thảm hại, người đọc nhìn vào tưởng máy in bị làm sao hoặc đây là bản soạn thảo văn bản in nháp của ai đó đang học Word, Excel cũng nên. Koha giải quyết dễ dàng, báo cáo lấy ra dùng Excel định dạng thoải mái, in ra kiểu gì là tùy vào trình độ tin học văn phòng của bạn.

Đó là chưa kể bạn còn có thể bổ sung thêm các plugin trình cắm nếu bạn có thể tạo ra hoặc sưu tầm trên trang cộng đồng Koha. Rồi còn những chức năng thuật sĩ/ phù thủy hữu ích dẫn bạn từng bước để tạo ra một báo cáo thơm phưng phức nếu bạn là người chưa thành thạo sử dụng phân hệ báo cáo. Rồi còn có thêm chức năng từ điển các kiểu.

Ôi thôi, nên dừng lại ở đây, nói thêm nữa có khi đi lạc xa lắc xa lơ ra khỏi lĩnh vực phần mềm thư viện.

Dịch vụ web (web services)

Thời kỳ “hậu Web 2.0” bạn lên mạng mà không nghe đến APIs thì xem như bạn gần như “không biết gì về điện”. Các ứng dụng trên điện thoại, truy cập các dịch vụ công, ngân hàng, bảo hiểm,… ngay cả những thứ đơn giản như blog cũng là những API để các máy tính nói chuyện với nhau.

Ngành thư viện trước đây đã đi trước thời đại so với nhiều ngành khác, bởi vì khi Internet phát triển, các trường đại học, học viện viện nghiên cứu là những người tiếp cận sớm, nếu không muốn nói sớm nhất. Những thứ ấy áp dụng vào thư viện thành các giao thức mà bạn từng nghe rủng roẻng nhưng không hiểu gì khi đọc tạp chí thư viện, nghe thuyết trình ở các hội thảo thư viện như Z39.50, SIP, OAI-PMH,… Chúng hiện diện ở Koha, có thêm REST API thuận tiện hơn rất nhiều trong việc kết nối với những lập trình viên ít hiểu biết về các giao thức thư viện cổ xưa. Đó là chưa kể mấy cái giao thức để xác thực việc đăng nhập trong môi trường cần bảo mật cao hoặc nhiều người dùng, cơ cấu tổ chức phức tạp, các giao thức như LDAP, OAuth2, Shibboleth,…

Web services – thật dễ hiểu qua một bức hình(!?)

Các phần mềm thư viện Việt Nam thì mấy thứ vừa kể ở trên rất cùi bắp, nói hẳn vậy luôn.

Còn một món nữa cũng là ưu điểm Koha nhưng bài viết này không muốn nhấn mạnh vì so sánh Koha với các phần mềm thuơng mại nguồn đóng thì các phần mềm kia khó mà làm được: khả năng cho phép bạn phát triển các mô-đun lắp vào chạy. Nói cách khác, đây là khả năng mở rộng phần mềm theo ý của bạn nếu bạn biết viết mã, lập trình. Điều này với các phần mềm thư viện của các công ty phần mềm Việt Nam là bất khả thi về mọi mặt, lực bất tòng tâm. Lý do? Đáp: phần mềm thư viện không phải là thứ màu mỡ, thị trường hàng nhiều triệu đô-la để họ có thể làm như các phần mềm dạng ví điện tử, giao dịch tài chính ngân hàng nên họ mà tạo các chức năng thú vị như Koha, họ có nước ra đê ở.

Tui là trưởng bộ phận hoặc giám đốc một thư viện khá lớn, tui muốn phiêu lưu cùng Koha

Thật tuyệt nếu bạn đang thực lòng nói câu trên, và cũng dành lời khen ngợi cho bạn bởi vì bạn rất dũng cảm. Bạn đang dám đặt cược “chiếc ghế” của bạn vào ván bài tin học hóa/ tự động hóa thư viện với một giải pháp nguồn mở tiêu chuẩn quốc tế.

Ở thời điểm hiện tại, ngày nay cái việc này đang được dùng như một thứ trang sức lấp lánh, được gọi là “chuyển đổi số”. Thực ra, chuyển đổi số liên quan đến phưong thức và con người. Phần mềm, giải pháp chỉ là công cụ. Con người không chấm bốn sống trong thời đại bốn chấm không, mà lại trực tiếp tham gia vào lãnh đạo chuyển đổi số sẽ thảm họa. Trong thực tế, kết quả những tuyên bố về chuyển đổi số mà thiếu năng lực số chỉ là món cầy xáo măng nhưng thiếu cả cầy lẫn măng.

Theo thiển ý của bài này, bạn cần team 4 người: 2 người phát triển phẩn mềm ở mức Senior Dev và 2 thủ thư có ít nhất 3 năm trong nghề mỗi người, kinh qua nhiều vị trí khác nhau trong thư viện, từ nghệp vụ cho đến phục vụ. Bạn cũng hỏi xem khả năng tiếng Anh của “bè lũ bốn tên” như thế nào nhé, phải tưong đuơng cỡ IELTS 6.0 trở lên vài liệu để tìm hiểu về Koha đều bằng tiếng Anh.

Khi có đủ “tứ quái” đạt tiêu chuẩn kể trên rồi, hãy giao dự án cho họ trong nửa năm họ sẽ là xong. Nếu họ làm không xong, trước khi sa thải cả 4 vì hóa ra bè lũ đều phường bẻm mép, năng lực kém, bạn hãy sa thải chính mình.

Tui muốn thử dùng Koha mà không đủ trình để cài?

Ồ ồ, bài viết này phải hét lên với bạn rằng bạn rất đáng khen, có tinh thần học hỏi, muốn thử một thứ chưa làm lần nào trong đời, không ngán sợ cái mới lạ… Được lắm, nào, hãy nghe chúng tôi nói, bạn có ngay Koha trong tay để dùng. Nào, ta ngồi lên tàu lượn để phiêu lưu nhé.

Ghé ngay vào trang này: https://koha-community.org/demo/ sẽ thấy ra một bảng có nhiều phiên bản:

Các phiên bản Koha gần đây

Hoa mắt hỉ? Chọn cái nào ở danh sách trên? Mẹo: chọn phiên bản gần nhất, số đầu tiên chỉ năm, sau dấu chấm chỉ tháng. Ví dụ: 23.05 là phiên bản tháng 5 năm 2023. Nếu bạn đọc bài này sau tháng 11 năm 2023 bạn sẽ thấy có phiên bản 23.11 trên danh sách.

Vậy thì, chọn phiên bản nào có chữ MARC21 vì nó là quốc tế, còn USMARC sử dụng ở Mỹ. Click vào OPAC nếu muốn trải nghiệm giao diện bạn đọc, còn lại thì click vào Staff interface để đăng nhập vào giao diện dành cho thủ thư. Mật khẩu đã cung cấp trên đó.

Cũng nên chọn nước nào đó có cự ly địa lý gần Việt Nam để tốc độ truy cập nhanh hơn. Điều này cũng chỉ tuơng đối, nếu thấy chậm quá thì có thể thử chọn cái khác trong danh sách.

Thay cho kết bài

Bài viết này có những đoạn, câu, cụm từ được trí tuệ nhân tạo viết mà không phải là một người nào cụ thể. Chính vì vậy, nếu bạn muốn bê bài viết này đi đâu khác hoặc trích dẫn vào bài của bạn, cứ thoải mái. Tuy nhiên đừng nói là của bạn viết mà phải áp dụng đúng luật về trích dẫn trong lĩnh vực viết bài đăng tạp chí khoa học, hoặc nếu điều đó quá khó, bạn hãy bát chước dân báo chí.

Đăng tại Chưa phân loại

Cài đặt nhanh WordPress trên shared hosting

Trong quá trình làm việc, có ngày chúng tôi cài đặt vài chục website sử dụng WordPress nên cần đạt tốc độ nhanh, thao tác thành thạo gần như học thuộc bài, nhắm mắt mà cài. Bài này hướng dẫn cách bạn thực hiện. Việc này dễ dàng, nhanh gọn có khi chỉ mất 5 phút.

Đây là cài đặt trên phần mềm web panel chuẩn, thông dụng của hầu hết các nhà cung cấp shared hosting chú trọng chất lượng, dùng cPanel.

Điều kiện cần và đủ

Giả sử bạn thuê web hosting dạng shared hosting, loại thông dụng cho người bắt đầu, giá cả cũng phải chăng nhất hiện nay, có sử dụng cPanel.

Hình Giao diện cPanel dùng theme Jupiter khi vừa đăng nhập

Nếu bạn chưa từng vọc/ nghịch/ chơi với website bao giờ, bạn muốn thuê hosting, hãy thử các nhà cung cấp ở đây.

Thực hiện cài đặt

Dùng thông tin nhà bán hosting gửi cho bạn qua email để login vào cPanel, nếu nhìn thấy giống giao diện ở Hình Giao diện cPanel đã nói đến bên trên thì chỉ cần click vào WordPress Manager by Softaculous.

Nếu không thấy như vậy, bạn có thể nhập cụm từ WordPress Manager by Softaculous vào ô tìm kiếm ở góc phải – trên trang chủ cPanel, hoặc có thể duyệt tìm trong đống rất nhiều mục, trông như dưới này:

Khi truy cập bằng click mục vừa nói (khoanh tròn đỏ trên hình), đưa bạn đến một màn hình:

Không cần phải nó gì thêm, bạn hùng dũng click ngay nút Install để mở tiếp màn hình cài đặt:

Nhìn trên hình, các chỗ màu đỏ có đánh số, có các mục:

  • (1) Nếu bạn mới bắt đầu, chưa có hiểu biết gì về tên miền phụ, cứ để mặc định, còn nếu có tên miền phụ, chọn trong danh sách.
  • (2) Nhập vào gì đó nếu bạn không muốn cài WordPress làm trang web mặc định cho tên miền (domain) chính của bạn. Giả sử bạn nhập: nhat-ky để cài WordPress vào thư mục con thay vì ngay ở thư mục public_html trên hosting của bạn.
  • (3) Mục này mặc định là phiên bản WordPress mới nhất hiện tại. Nếu bạn muốn phiên bản cũ hơn, có thể chọn lại trong danh sách.

Kéo màn hình xuống một chút, bạn thấy các mục như sau:

Lưu ý quan trọng: ở mục (4) là mật khẩu để login vào Admin của website WordPress sẽ cài trong chốc lát nữa, cái này tự Softaculous sinh ra, bạn có thể thay đổi theo ý bạn, nhưng cần phức tạp một chút, tránh nguy hiểm về sau. Tuyệt đối KHÔNG dùng các mật khẩu như 123456, password, ngày tháng năm sinh của bạn,… toàn những mật khẩu kém an toàn, tạo thói quen xấu, gây nguy hiểm về sau. Cảnh bảo thêm: với sự cẩu thà này, bạn có thể bị cười chê là dốt nát về mạng mẽo, nhưng đó chưa đáng sợ khi hacker bẻ khoá mật khẩu trong 15 phút, bạn khó đoán được thảm hoạ gì xảy đến về sau.

Khi mật khẩu tự sinh hoặc bạn tạo ra khó nhớ, phức tạp, hãy lấy giấy bút ghi lại hoặc copy vô Notepad và lưu lại cho chắc ăn. Sau này, khi dùng nhiều lần bạn bỗng nhiên nhớ được dù nó có phức tạp khoảng 23 ký tự gồm có chữ cái, chữ số, kỹ tự đặc biệt nhìn vào vô cùng ngẫu nhiên, rối rắm, như chúng tôi từng thử thách thành viên trong đội của mình.

Hãy lần lượt điền các thông tin (1) đến (6) như khoanh đỏ ở hình. Rồi bạn lại kéo trang màn hình xuống chút xíu thôi, phần còn lại trông như sau:

Nhìn trên hình bạn thấy chỉ có 2 mục:

(1) hãy điền địa chỉ email thường dùng của bạn, mục đích là để sau này WordPress sẽ gửi email thông báo khi có thông tin liên quan bảo mật để bạn cập nhật kịp thời và/ hoặc khi bạn quên mật khẩu, bạn chọn chức năng Quên mật khẩu ở màn hình đăng nhập, điền email vào để nhận lại mật khẩu mới. Tuyệt đối không điền email bậy bạ hoặc email người khác vì điều này rất nguy hiểm nếu website bạn làm đàng hoàng, phát triển tốt mà không phải bản nháp, sơ suất về email có thể khiến người khác có thể lấy được tài khoản đăng nhập làm Admin website của bạn.

(2) click nút Install để tiến trình cài đặt diễn ra.

Nếu shared hosting của bạn thuê xịn sò giống như chúng tôi, màn hình trên nhanh đến mức chừng 3 giây mà thôi. Và ngay sau đó là xin chúc mừng bạn, thành quả nãy giờ, trông như này:

Vậy là xong rồi nhé. Giờ đây bạn tự xoay xở với WordPress của bạn. Nếu không biết làm gì, cứ thỉnh thoảng quay lại web này để đọc bài hoặc gửi yêu cầu hỗ trợ cho chúng tôi, bạn sẽ được hỗ trợ miễn phí bằng một bài viết có minh họa như bài này.

[sc name=”index_of_wp”][/sc]

Đăng tại Chưa phân loại

Dời nhà WordPress có và không Duplicator

Trong thực tế nhiều rất nhiều khi gói file nén được tạo ra (để di chuyển WordPress từ localhost lên hosting hoặc từ hosting này qua hosting khác) khá là bự, hoặc khổng lồ nên nhiều dân vọc web amateur lúng túng nặng. Bài viết này hỗ trợ bạn theo kiểu mì ăn liền.

Mô tả cảnh quan vấn đề

Bên nhà thầu web quăng cho bạn một cục và để bạn tự cài. Thực sự, bạn không muốn tự cài đâu nhưng bạn cũng không muốn cho họ táy máy, sờ mó vào hosting của bạn. Và bạn cũng muốn thử làm để sau này còn làm cho nhiều website khác, tiết kiệm ít tiền, học thêm chút kỹ năng thời bốn chấm không.

OK. Vậy thì trong tay bạn đang có 1 file có đuôi .zip, giả sử blahblah.zip do bên thầu web cung cấp cho bạn.

Ngoài ra, bạn đã mua hosting ở một nhà cung cấp nào đó, dạng shared hosting, với cấu hình chuẩn thông dụng, dùng cPanel để quản trị website.

Và cũng đã trỏ domain vào hosting của bạn. Nếu không biết trỏ, hãy hỏi hoặc tra tài liệu trợ giúp bên chỗ nhà cung cấp domain cho bạn.

Nếu nhà cung cấp domain tự hiểu bạn có thể trỏ, không có tài liệu gì thêm, bạn có thể tham khảo bên nhà cung cấp hosting có thể có hướng dẫn làm việc này.

Điều kiện cần và đủ xem như có, giờ ta tiến hành thôi. Nóng hôi hổi vừa thổi vừa gãi đầu.

Vào cPanel của bạn để chuẩn bị vài thứ

Như những con thỏ nhảy nhót trên đồng cỏ, chúng ta đã biết rằng để một website được vận hành trên nền tảng WordPress CMS (gọi gọn là WordPress) vận hành được ở hosting, ta phải có các thứ sau:

1) Thư mục: nơi chứa để chép mã nguồn WordPress vào đó, mặc định trên hosting có một thư mục public_html đây là nơi bạn sẽ chép mã nguồn WordPress vô đó rồi cài đặt hoặc chép mã nguồn web PHP đã làm xong nơi khác giờ đưa lên hosting.

Nếu bạn không thích domain của bạn truy cập thẳng vào thư mục gốc public_html kia, bạn có thể tạo thư mục con trong public_html để dùng cho sub-domain (tên miền phục) của bạn hoặc sub-directory (thư mục con) kiểu tenmiencuatui.com/webcuatui. Có vài kiến thức về máy tính bạn đã biết, ở đây không hướng dẫn việc ấy được.

Trong cPanel để chép file lên thư mục, bạn chỉ cần chọn mục File Manager ở nhóm chức năng Files, giông giống hình dưới:

Nếu bạn là tui, mất kiên nhẫn với việc duyệt tìm chức năng, hãy nhìn góc phải trên ở trang chính của cPanel có ô tìm kiếm, gõ vào ấy File Manager và click để nhanh chóng đến nơi cần đến. Nó ra như này:

Click vô nút Upload như hình trên nó sẽ dẫn đến một cửa sổ đối thoại:

Bạn có nhìn thấy dòng Maximum file size allowed for upload không? Nếu file ZIP của bạn mà bự hơn con số thông báo ở đây (ví dụ này là 2.1GB) thì bạn ngừng ở đây, không tiếp tục mà nhảy xuống phần FTP client bên dưới nhé.

Giờ là thấy file bạn nhỏ hơn mức maximum ở trên?

2. Upload file lên hosting: Bạn chỉ cần click Select File rồi tìm đến file trên máy bạn, thực hiện upload file nén ZIP mà người ta đưa cho bạn lên hosting. Trong ví dụ này, của tui nó ra như sau:

Úi chà chà, suýt chút thì quên, nếu mà file của bạn là từ gói Duplicator thì bạn không có xả nén đâu nhé, mà chỉ upload gồm 2 file lên là file installer.php và file nén ZIP, và để cho Duplicator tự xả nén, bạn không làm thay, kẻo sai lầm đấy.

Trong trường hợp WordPress đóng gói kiểu khác không dùng Duplicator, thì bạn cần xả nén và thay đổi thông số ở file wp-config.php với thông số cơ sở dữ liệu MySQL sẽ bàn ở bước sau.

3. Tạo cơ sở dữ liệu MySQL: gõ vào ô tìm kiếm ở trang chính cPanel (trang này có nhiều mục, nhiều icon, đừng nhầm lẫn với của sổ File Manager để upload file ở trên) từ MySQL bạn nhé:

Click nó để ra một cửa sổ bước đầu tiên:

Điền tên cơ sở dữ liệu (database) do bạn tự đặt, đừng lấy giống webcuatui như hình trên nha, đây chỉ là ví dụ minh họa.

Bạn đặt tên cơ sở dữ liệu là gì, nhớ lấy giấy bút ghi lại hoặc ghi vào file và lưu ngay, kẻo lát không thể nhớ được thì việc làm vô ích. Ghi đầy đủ cả phần tự nó có, như ở ví dụ này là phần silweuhd_, tức là ghi đầy đủ database name là silweuhd_webcuatui mới chuẩn chỉnh.

Bấm nút Next Step để qua bước Step 2:

Hình trên nói rằng bạn tạo username, cái này dùng để kết nối vào cơ sở dữ liệu ở Step 1. Khi tạo mật khẩu bạn cần điền 2 trường giống nhau, mật khẩu gồm có chữ hoa, chữ thường, số, ký tự đặc biệt, có độ dài ít nhất 8 ký tự. Tốt hơn hết bạn bấm nút Password Generate cho nó tự sinh, và nhớ lấy giấy bút ghi lại cẩn thận vào sổ hoặc copy mật khẩu này dán vào trình soạn thảo văn bản thô Notepad có trên máy và lưu lại ngay, kèm với tên cơ sở dữ liệu, username để lát nữa dùng đến. À, đừng quên ghi tên cơ sở dữ liệu đầy đủ luôn nhé (cũng có phần silweuhd_), có mật khẩu mà không nhớ username cũng vô dụng.

Bạn không nhất thiết phải đặt tên trùng với cơ sở dữ liệu làm gì, miễn làm sao bạn nhìn vào nhớ được là cái này gắn với cái nào. Đừng tự làm rối bản thân khi bạn có hàng chục trang web, hàng chục username kết nối, nếu đặt không theo một quy tắc nào, bạn sẽ tự làm khó bạn về sau kiểu như bà tên Hoa bán bưởi, bà tên Bưởi bán dưa, bà tên Dưa bán hoa… thì hỏng bét.

Bấm nút Next Step để qua bước Step 3:

Vì bạn không phải là chuyên gia cơ sở dữ liệu nên đừng mất thời gian nghiên cứu, click chỉnh hàng tá mục trong bảng làm gì. Bạn chỉ cần click chọn ALL PRIVILEGES như minh họa ở hình trên và kéo nhanh xuống dưới bấm nút Next Step để qua Step 4:

Vậy là hoàn tất việc tạo một cơ sở dữ liệu kèm với tài khoản đăng nhập vào nó. Xong Step 4 bạn đang có 3 thông số database, username, pasword. Trong ví dụ của tui, tui có:

Lưu ý quan trọng: 3 thông số vừa kể không phải là tài khoản Admin, hoặc user bình thường của WordPress của bạn. Đây là thông số cơ sở dữ liệu MySQL bạn tạo ra, để rồi sẽ khai báo giúp WordPress có thể kết nối đến cơ sở dữ liệu của bạn để lưu trữ và truy suất thông tin (bài viết).

Nãy giờ là trình bày chung cho cả dùng với Duplicator và không. Tới đây, nếu bạn dùng Duplicator, nhảy xuống phần bên dưới, dùng Duplicator nhé.

4. Thay đổi cấu hình WordPress cho phù hợp: bước này tui giả sử rằng bạn không dùng Duplicator mà chỉ mang web WordPress của bạn ở hosting khác qua hosting hiện tại hoặc từ localhost của bạn lên. Lúc này thì bạn cần trở về File Manager ở cPanel như ở (2) đã nói ở trên.

Nhìn trong danh sách file, trong thư mục public_html có file wp-config.php, click chuột phải vào nó, chọn mục Edit để chỉnh sửa.

Nếu chưa kịp hiểu tui nói gì, bạn xem nhanh 2 hình bên dưới:

Trình soạn thảo file mở ra và… tèng teng:

Tương ứng với 3 mũii trên ở trên, tức là bạn cần thay đổi, dùng thông số bạn tạo ở Step 1 đến Step 4 ở trên lắp vào đây. Thay xong, đá mắt qua góc phải – trên của trang có nút Save Changes, click nó để lưu lại.

5. Import dữ liệu từ file .sql: tìm trong mớ file/ gói ZIP mà bên làm web hoặc ai đó gửi cho bạn. Nếu không thấy file có đuôi .sql nào thì bạn hỏi người ta xem file nào là file dữ liệu, thường thì nó có đuôi là .sql hoặc nằm trong file nén, khi giải nén ra được file abcd.sql gì đó. Khi có file .sql đó rồi làm tiếp: quay về màn hình chính cPanel, nhập vào ô tìm kiếm ở góc phải – trên phpMyAdmin:

để ra như sau:

Chọn cơ sở dữ liệu của bạn trong danh sách, lúc này hẳn nó đang rỗng, chưa có dữ liệu. Nhìn qua khu vực giữa trang, như sau:

Click mục Import ở vị trí như khoanh đỏ ở hình trên, bạn sẽ được đưa đến màn hình:

Click nút Browse hoặc Choose ở vị trí giống như ở hình trên, rồi tìm đến file có đuôi .sql như vừa đề cập bên trên, nó là tất cả dữ liệu website của bạn đấy, quả tim của WordPress (hoặc ứng dụng web PHP nói chung).

Kéo nhanh về cuối trang và bấm nút Import nhé, nếu bạn vẫn không hình dung, xem hình dưới:

Tùy theo website của bạn có độ phức tạp thế nào, dữ liệu nhiều ít ra sao mà việc import (nhập vào) có thể chỉ mất 30 giây, có khi kéo dài nhiều phút, bạn cứ kiên nhẫn đợi.

Khi hoàn tất màn hình sẽ cho bạn biết, thường có 1 thông báo trên nền màu xanh lá cây: Import has been successfully finished, xyz queries executed. là ổn. Lúc đó, nhìn qua bên trái, click vào dấu cộng (chỗ dấu mũi tên đỏ hình ngay sau đây) phía trước tên cơ sở dữ liệu của bạn xem nó đã ra một chùm như sau:

Hình liệt kê table của cơ sở dữ liệu

Dữ liệu của bạn có thể các dòng không bắt đầu với wp_ mà là cái gì đó, và số lượng có thể nhiều hơn ở hình, nhưng đừng lo lắng, không có gì bất ổn ở đây, chỉ là có sự linh động trong việc đặt prefix (tiếp đầu ngữ) cho các bảng dữ liệu mà thôi, đó là sự điên rồ, rảnh rỗi của mấy ông bà làm phần mềm, không phải do bạn gây ra đâu.

6. Thay đổi thông số về domain (nếu trường hợp của bạn có sự thay đổi, nếu không thay đổi domain, bạn bỏ qua bước này): xem lại Hình liệt kê table của cơ sở dữ liệu bên trên, click wp_options (của bạn có thể là abc_options hoặc gì đó, miễn nó có options là “chính hắn”), giữa màn hình cho bạn thấy như là:

Bạn click vào 2 cái Edit như mũi trên chỉ ở hình trên để lần lượt chỉnh sửa thông số cho phù hợp với domain, địa chỉ URL của bạn nếu bạn có thay đổi domain và/ hoặc địa chỉ trang web của bạn.

Như vậy, ở phần trên chủ yếu nói về việc di dời trang web làm bằng WordPress một cách thô sơ, không có công cụ Duplicator hỗ trợ.

Cài đặt web từ gói Duplicator

Cái gói này có 2 file: 1 file là installer. php và file còn lại là file ZIP đuôi .zip (cũng có thể đuôi là .daf) có cái tên là năm-tháng-ngày rồi chuỗi mã hóa gì đó khá khó hiểu.

Nếu cPanel cho phép upload file có kích thước lớn, bạn upload 2 file này lên thư mục public_html hoặc thư mục con, sau đó gõ http://domain-của-bạn/installer.php hoặc https://domain-của-bạn/thư-mục-con/installer (tùy theo bạn đặt web ở đâu: thư mục gốc hay thư mục con, cũng chú ý http:// hay là https:// tùy theo bạn có dùng SSL hay không) và điền thông số MySQL như đã làm ở bên trên khi được yêu cầu từ màn hình giao tiếp của trình Duplicator Installer, cứ lần lượt theo đó, khá dễ dàng. Trông gần như sau:

Trong trường hợp cPanel hoặc bạn dùng trình quản lý hosting khác như DirectAdmin, Plesk hoặc cái gì đó (giờ phong phú quá, tui không thể liệt kê nổi) không cho phép upload file kích thước lớn đến mấy trăm Megabyte thì đọc phần sau, tui minh họa trên cPanel. Nếu bạn dùng cái khác, hổng phải cPanel thì tìm chỗ nào có nói đến FTP account, chức năng cũng tương tự.

Tạo tài khoản FTP và chép file lên bằng trình FileZilla Client

Nào nào, tui quay về với cái máng lợn cPanel của tui, blahblach.com:8082 hay 2083 gì đó hoặc từ cửa sổ login của nhà cung cấp hosting bay qua, rồi lại gõ vào ô tìm kiểm quen thuộc đã để cập ở đầu bài, gõ vô đó chữ FTP Accounts:

click ngay vào ngay nó để mở ra cửa sổ cho phép tạo tài khoản:

Lần lượt điền các thông số như các số bên trên và bấm nút. Chú ý: luôn nhớ ghi lại vào sổ tay/ file máy tính để sử dụng, vì nếu tạo ra mà không nhớ, một lần nữa việc là ngớ ngẩn, vô ích bạn đã tự làm khổ mình.

Sau khi tạo xong, bạn sẽ có tài khoản với các thông số: tên đăng nhập (ví dụ: caigido@blahlah.com) mật khẩu (ví dụ: 7KuO^35cJhm), địa chỉ server: có thể là ftp.blahlah.com hoặc địa chỉ IP), có thể có port, mặc định là 21. Các thông số này bạn đã ghi lại như đã nói, rồi sẽ dùng ở bước sau: cung cấp cho trình FTP Client.

FTP Client được hiểu là một phần mềm máy khách, tức là máy thông thường bạn ngồi ấy: laptop, desktop mà không phải server dùng làm hosting chứa website của bạn trên Internet. Trên thị trường có khá nhiều phần mềm FTP Client, trong đó, một phần mềm miễn phí, dễ sử dụng mang tên FileZilla Client, bạn có thể tải về TẠI ĐÂY.

Khi đặt xong, bạn chạy FileZilla lên bạn sẽ thấy:

Điền các thông số bạn đã tạo vào 1, 2, 3. Nếu port (cổng) của bạn khác 21 thì điền nó vào 4, còn mặc định 21 thì bạn không cần điền 4, nếu điền cũng không sao. Bấm nút Quicconnet (5) như ở hình trên. Mất vài dây đã kết nối được vào hosting của bạn, rồi bạn duyệt cây thư mục khá giống với bạn duyệt ở chức năng File Manager trên cPanel đã đề cập ở đầu bài này.

Hãy chép file nén ZIP to bự của bạn lên thư mục public_html hoặc thư mục nào đó mà bạn mong muốn trên hosting. Khi chép xong, vào cPanel thấy file đó rồi, click chuột phải lên nó, chọn mục Extract (ở menu nổi lên) để xả nén. Sau đó nhớ xóa nó đi để rộng chỗ và tránh vô tình người truy cập tải về.

Vậy là xong rồi đó, bạn có thể dễ dàng dời nhà một website WordPress của bạn với bài viết này. Nếu gặp khó khăn, hãy comment để chúng tôi trợ giúp.

Đăng tại Chưa phân loại