Ăn cát bê tông: thực hành, thực hành và thực hành

Cài lại bộ gõ tiếng Việt cho Ubuntu 24.04 chạy Wayland

Bài mô tả lại việc cài đặt bộ gõ tiếng Việt sử dụng phương thức Fcitx5 thay cho bộ gõ tiếng Việt cũ đã xài vài năm trước đây cho đến Ubuntu 24.04 cài từ 26 tháng 4 năm 2024.

Bộ gõ trên Linux – niềm đau dai dẳng

KACBT tuy không phải dân IT, CNTT hay kỹ thuật gì ráo trọi, chỉ học USSH. Kiến thức máy tính, phần mềm, mạng mẽo toàn là tự mò mẫm nhưng khi kể ra “thành tích” thì bạn cũng té ngửa luôn “ông kễnh” yên hùng xa lộ này đã làm quen Linux từ khá sớm ở Việt Nam, đâu đó trước năm 2000, vẫn còn nhớ đó là phiên bản Red Hat Linux 6.0 Hedwig.

Nếu không tính bản Ubuntu mà Mr Thái Dê En phát tại ngày hội Windows Vista, ở CLB Nguyễn Du, đường Nguyễn Du, Q.1, TP. Hồ Chí Minh ngày 22-03-2007 (chỗ có cái rạp phim Galaxy) thì bản mà KACBT thử tự tay cài đặt thành công từ đĩa CD và sử dụng để nghe nhạc (nghe mấy bài của Jimmii Nguyễn) là bản Red Hat Linux 7.2 Enigma. Tất cả cũng dừng ở đó với chiếc máy bàn ở nhà. Thuở đó chưa có Internet gia đình nên đi làm về thì nằm nghe nhạc, không vọc máy tính vì cả ngày đã làm việc văn phòng trên máy tính mờ mắt. Lại còn thêm đi làm thêm, học thêm vài chứng chỉ nghiệp vụ buổi tối nữa.

Từ đó đến nay đã gần 1/4 thế kỷ trôi qua, nghe thật kinh dị nhưng bộ gõ tiếng Việt trên Linux vẫn là cái gì đó vô cùng “củ chuối”. Không riêng gì tiếng Việt mà cả các tiếng nước khác không phải là tiếng Anh đều khiến dân mới làm quen Linux trên desktop sớm bỏ cuộc.

Nếu bạn là một tín đồ Linux hẳn bạn đã từng vật vã với các thứ như bkkey, x-unikey, xvnkb, ibus-unikey, ibus-bamboo, fcitx,… nhưng làm đủ kiểu vẫn không có cái nào ngon như bên Windows hết.

Cho đến nay, bài toán bộ gõ các tiếng không phải tiếng Anh trên Linux vẫn tiếp tục được giải, được cải tiến nhưng có khi lại trở lại vạch xuất phát.

ibus-bamboo trên Ubuntu 24.04 hết dùng được

Từ Ubuntu 20.04 đến nay KACBT hết nhảy lung tung bộ gõ mà sử dụng ibus-bamboo. Tuy bộ gõ này kém mượt so với Unikey bên Windows nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu. Gần đây khi giao diện X khiến một số phần mềm chạy bỗng nhiên “giật lag đùng đùng” thế là KACBT chuyển lại giao diện mặc định GNOME Wayland của Ubuntu 24.04 và rõ ràng là gõ ibus-bamboo là một cực hình.

Lưu ý: Fcitx đang đề cập trong bài là Fcitx version 5, viết tắt là Fcitx5. Nếu bạn quên số 5, mà chỉ đề cập như là fcitx có thể khi cài bạn sẽ cài đặt bản Fcitx version 4.x để rồi đối mặt với việc không gõ được tiếng Việt trên Wayland, lại phải quay về X11.

Nhìn quanh xem, thấy có vẻ Fcitx5-bamboo là một lựa chọn có thể dễ dàng tiếp cận. Sau khi đi dạo một số trang blog, cộng đồng người dùng Linux khắp nơi, liền gõ lệnh:

sudo apt install fcitx5 fcitx5-frontend-all fcitx5-bamboo
im-config

Tọc tạch thêm vài phút với vài thông báo phải cài GNOME Extension kimpanel gì đó nhưng lại không thể cài được nhưng rồi bộ gõ mới vẫn chạy được. Bài này đang được viết với bộ gõ mới. Xem ra ổn hơn so với ibus-bamboo luôn chứ không đùa, nhất là trong việc save file đặt tên không nhảy lung tung khiến phần mở rộng của file bị sai lạc.

Bạn cũng cần đưa việc khởi động Fcitx5 vào trong mục Startup Applications của Ubuntu hoặc cấu hình systemd service để Fcitx5 tự khởi động mỗi lần bật máy tính. Nếu bạn không cảm thấy phiền phức thì có thể khởi chạy Fcitx5 thủ công mỗi lần cần dùng.

GNOME notifications hiển thị mỗi lần khởi động máy

Báo lỗi từ GNOME notifications
GNOME hiển thị thông báo vô nghĩa 😀

Bạn chỉ cần phớt lờ thông báo này mỗi lần khởi động máy tính mà thôi, nó không ảnh hưởng gì đến việc bạn có thể gõ phím để ra tiếng Việt có dấu ngon lành.

Chỉ có một khó chịu nhỏ: không được giữ phím Shift hơi lâu, nếu không chế độ tiếng Việt sẽ chuyển thành chế độ tiếng Anh. Đã thử vào cấu hình chỉnh phím nhưng chẳng thấy tác dụng gì xảy ra, thôi cứ mặc kệ nó, lúc nào rảnh tính sau./.

Lên đầu trang