Dùng trình soạn thảo code nào cho người bắt đầu?

Nói về trình soạn thảo mã dành cho dân lập trình thì đầy ra, việc lựa chọn này cũng gây tốn giấy mực, tranh cãi loạn cả lên. Vì vậy, bài này có thể làm mất lòng các bạn. Mình chỉ nói rằng cái gì gọn nhẹ, ít chức năng, chỉ vừa đủ sử dụng là ngon lành cho người mới tự học rồi.

Mục đích là bắt tay vào viết code để học, chứ không phải trang bị vũ khí khủng để làm gì. Bạn có thấy trường dạy lái xe nào cho học viên thực hành trên những con xe ô-tô dạng siêu xe hoặc xe phân khúc tầm cao giá trên 1 tỉ đồng?

Vậy, ứng viên cho trình soạn thảo code cho người học mới bắt đầu trên môi trường Windows? Có vài gợi ý sau:

  1. Giao diện đơn giản, nhỏ gọn, dễ dùng: Notepad Plus Plus
  2. Một trình soạn thảo code khá PSPad.
  3. Một chàng phi công soạn thảo PilotEdit Lite (chú ý khi tải click phiên bản có chữ Lite)
  4. Nếu bạn dùng hệ điều hành MacOS (máy tính Apple) thì có sẵn TextEdit, bạn cần tra cứu cụm từ Work with HTML documents in TextEdit on Mac
  5. Nếu bạn dùng hệ điều hành họ Linux như Ubutu, LinuxMint, Fedora, Kali,… bạn có thể dùng gEdit có sẵn trong hệ điều hành này. Tìm kiếm trong thanh tìm kiếm từ Text Editor chính là gEdit.

Các trình soạn thảo văn bản thô kể trên đều miễn phí hoặc dùng cho cá nhân không phải mua licence.

Những bạn đang học theo hình thức gia sư 1 kèm 1, chúng tôi sẽ yêu cầu như là sự bắt buộc: chỉ được dùng một trong các trình soạn thảo bên trên. Ai cứng đầu, thích dùng mấy “vũ khí khủng” thì đã không thể tiếp tục rồi, vì họ có triết lý khác tui, tui hướng dẫn họ thì dễ… cãi lộn, học hành gì nữa?

Bạn hãy mạnh dạn bỏ qua các tên tuổi như:

  • VS Code (viết dài là Visual Studio Code): cái này quá khủng, nhiều chức năng quá gây rối
  • Sublime Text: mắc tiền để mua, đến 99 đô la Mỹ thì không dành cho người mới tự học làm web
  • Bracket, Atom: những cái này trước khi có VS Code thì ngon, nhưng giờ VS Code đã thống lĩnh
  • Các IDE khác: cái này dành cho những người lập trình phần mềm hơn là dân ngoại đạo

Việc sử dụng các trình soạn thảo trang bị nhiều thứ hay ho, trong đó cái chức năng “nhắc bài” cực kỳ tai hại cho người mới học vì sẽ không nhớ được các từ khóa, cú pháp của ngôn ngữ mình học. Mặc dù nhiều người giờ cảm thấy nóng ruột, muốn làm cái gì đó nhanh vì sợ không theo kịp thiên hạ. Nhưng họ nào có biết rằng con người ta hoạt động đơn nhiệm, và câu “dục tốc bất đạt” vẫn luôn còn tồn tại đó. Để có rượu ngon người ta không làm cách nào khác ngoài việc ủ trong hầm hàng chục, hàng trăm năm. Để có một dân tộc vĩ đại, người ta cần phải tích luỹ văn minh qua nhiều thế hệ.

Cho dù, bạn đang ở đây chỉ muốn làm kiểu nghiệp dư chơi mà thôi, chúng tôi vẫn muốn rằng chơi thì chơi nhưng phải có cái gì đó đọng lại như một kỷ niệm, ngồi gõ phím lóc cóc, thô sơ là một sự “sang chảnh” trong thế giới đầy “tóp tóp”.

Bạn học tiếng Anh mà không cần nhớ từ vựng chứ? Tương tự, bạn cũng cần phải nhớ “từ vựng” khi học ngôn ngữ HTML, ngôn ngữ định kiểu xếp tầng CSS, lập trình JavaScript.

Trong một số bài thực hành, bạn cũng cần biết đến những trình soạn thảo dạng live trực tiếp, trực tuyến như codepen chấm io, hoặc jsFiddle chấm net, hoặc vài thứ khác. Những công cụ này khi học đến những bài học cần đến, KACBT sẽ giới thiệu, giờ đây bạn chỉ cần nghe tên thôi để bớt bỡ ngỡ chứ chưa cần dùng ngay.

Lên đầu trang