Việc đưa dữ liệu vào một phần mềm là việc rất thường xảy ra khi làm việc với máy tính. Nếu việc đó thực hiện bằng cách tạo mới thông qua thiết bị đầu vào input, người ta gọi chung là nhập liệu, nhập dữ liệu, hoặc tạo mới dữ liệu. Trong khi đó, một khi dữ liệu đã có sẵn ở dạng file hoặc cơ sở dữ liệu, khi đưa vào một phần mềm khác người ta gọi là import.
Bài viết này hướng dẫn cách bạn nhập dữ liệu có sẵn vào WordPress, sử dụng công cụ được WordPress trang bị sẵn. Đây chỉ là bài cơ bản, làm quen với việc import khá thô sơ, đơn giản. Mục đích chính để có cái nhìn import là gì, công cụ có sẵn tiện dùng, nhanh. Trong thực tế, có những lúc import khá phức tạp, mất nhiều thời gian hơn. Khi nắm căn bản, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Chuẩn bị đồ nghề: cài đặt WordPress Importer
Ban đầu tui cũng cảm thấy ngơ ngác khi tính năng này được giới thiệu là của WordPress Core (tức là đi kèm sẵn với WordPress) nhưng lại không có sẵn dùng ngay mà phải mất khoảng chục giây để cài đặt. Khi khám phá WordPress sâu hơn, tui hiểu rằng những người phát triển WordPress có lý của họ: không ôm đồm mọi thứ vào khiến WordPress Core trở nên nặng nề, rối rắm mà để người dùng linh động cài đặt thêm khi cần dùng.
Việc cài đặt một Plugin cho WordPress không có gì khó với những plugin bình thường, cứ theo đúng bài mà làm thôi. Tui mách nước cho bạn: WordPress Importer nằm ở địa chỉ web:
https://vi.wordpress.org/plugins/wordpress-importer/
Bạn đã biết các cách cài plugin rồi, trong tình huống này bạn áp dụng cách nào là tuỳ bạn. Tui chỉ bổ sung thêm làm bạn rối trí chơi: cái WordPress Importer này do đội ngũ phát triển WordPress Core làm nên, nó cũng có cách cài đặt đặc biệt hơn (gà nhà mà, phải ưu tiên chứ 😳 ), bạn cũng cần biết qua, như hình sau:
Đến đây, xem như bạn đã có sẵn đồ nghề WordPress Importer, sẵn sàng cho bước tiếp theo.
Tải về dữ liệu mẫu (có tồn tại ở đâu đó?) để thực hành
Ngay khi cài đặt xong WordPress Importer, đang ở trình duyệt, bạn mở một tab mới, truy cập vào địa chỉ sau:
https://codex.wordpress.org/Theme_Unit_Test
Thấy hiện lên một trang rất chi là dành cho dân công nghệ thông tin? Không, nó rất dễ hiểu và bạn chỉ quan tâm đến cái cần, tránh đi lạc vào rừng, cần chú tâm nhìn cái mà tui khoanh đỏ:
Click nút chuột phải vào link như hình minh hoạ, ở menu chọn Save Link As… để lưu lại trên máy tính của bạn một file có tên themeunitestdata.wordpress.xml, đây chính là dữ liệu bạn sẽ import vào.
Nhắc nhỏ luôn, đừng quên đường dẫn thư mục bạn vừa lưu lại file trên máy, vì nếu quên thì bước kế tiếp bạn không biết file nằm ở đâu để mà browse đến (việc đó là một sự thất bại về sử dụng máy tính căn bản đấy nhé, cần bổ sung gấp vì thời đại 4.0 mà như vậy là… hỏng bét).
Thực hiện việc import file XML vào WordPress
Còn chần chừ gì nữa mà không import ngay và luôn trong 1/2 nốt nhạc? Tui sẽ chỉ đưa ra các hình ảnh mà không giải thích gì thêm để xem bạn làm thế nào nhé?
Xuất hiện ngay ra một màn hình có thông báo gì đó trông gần như này:
Quay về màn hình ở trên, giờ nó có nút tên là Upload file and import (tiếng Việt là gì nhỉ?), chỉ cần click vào nút đó xem chuyện gì xảy ra?
Tui biết làm gì với màn hình đối thoại này? Bạn có biết không? Không biết à? Nhớ tui nó gì không, cứ quậy tưng lên, máy tính của bạn không cháy nổ khiến bạn bị thương đâu, WordPress của bạn cũng đang trống trơn, bạn sẽ mất gì nếu phạm sai lầm ở bước này? Chẳng mất gì, sao không thử click gì đó?
Vậy là xong rồi đó, bạn đã có một số bài viết toàn là tiếng Anh mà thôi. Những thứ vừa nhập vào kém hữu ích, gần như không phục vụ cho việc gì mang tính truyền tải thông tin đến người truy cập web. Chúng có tác dụng làm trang web của bạn bớt trống trải, giúp bạn hình dung được một số thứ về giao diện, cách hiển thị trang có ổn hay không, thay vì bạn phải đợi ngồi tạo nội dung khi chưa kịp có.
Không dừng ở cơ bản trên, tui làm gì tiếp theo?
Trong thực tế, khi mua theme, người ta có dữ liệu để bạn import vô nhằm xem được bản trình diễn demo thực sự hoạt động đẹp lung linh như thế nào.
Bạn chẳng có theme nào để mua nhưng vẫn có những nội dung “um tùm” hơn, điều này có gì mà khó đâu, hãy thử khám phá một plugin có cái tên nghe rất đáng sợ: FakerPress by Gustavo Bordoni.
Đến đây bài viết đã hết mất rồi!