Ăn cát bê tông: thực hành, thực hành và thực hành

Shared hosting là gì? Có ăn được?

Khái niệm cơ bản nhất khi bạn bắt đầu quan tâm đến các trang web và muốn có một trang web riêng. Bài này giải thích theo kiểu “bình dân học vụ” để bạn nhanh nắm bắt, áp dụng vào hành trình chơi với Web của bạn.

Nếu bạn cần nắm nhanh, không ưa dông dài: web hosting có nghĩa là dịch vụ cho thuê không gian chứa trang web. Vậy, shared hosting/ shared-hosting là thuê không gian lưu trữ web theo hình thức chia sẻ, hoặc gọi tắt là web hosting – ai cũng hiểu. Chia sẻ là sao, như thế nào? Website được đặt trên các máy phục vụ chuyên dụng – tức server (Việt Nam thường gọi là máy chủ). Máy chủ khá tương đồng với máy tinh bàn desktop PC thường dùng trước đây bạn thường thấy trong mọi gia đình. Ngày nay một số bạn chơi game có desktop PC, trong doanh nghiệp vẫn còn dùng desktop PC dù laptop được sử dụng khá phổ biến, thông dụng hơn.

Điều khác với Desktop PC là server được thiết kế có độ bền bỉ hơn, vỏ bên ngoài cứng cáp, hình dáng công nghiệp hơn, mắc tiền, bộ xử lý mạnh mẽ hơn. Do đó, nếu bạn cần một website nhỏ, ban đầu ít người truy cập mà phải thuê hoặc mua một cái server không khác gì việc bạn mua xe buýt 45 chỗ để chở con đi học. Vậy, web hosting giống đi xe buýt công cộng: 1 chiếc xe buýt chở nhiều người, mua vé cho chỗ ngồi của mình, rẻ tiền, khá tiện lợi. Tương tự, một cái server được phân bổ thành shared hosting, có thể chứa nhiều trang web trên đó, mỗi khách hàng thuê một không gian đủ dùng.

AI hiểu và diễn tả shared hosting

Các nhà kinh doanh hosting sẽ thuê hoặc mua các server và chia nó ra để cho thuê. Gói cước thuê thường tính theo giá tháng nhưng người ta sẽ đóng tiền từ 3 tháng trở lên, thông thường nhất là 1 năm. Ở thời điểm 2024, nếu bạn cần có một website để vui chơi, bạn tốn chừng 600 ngàn/ năm để thuê shared hosting là có thể vi vu. Trên thị trường cũng có gói cước thấp hơn nhưng chất lượng có thể khiến bạn bực mình sau vài tháng.

1. Lịch sử hình thành shared hosting

Khi World Wide Web được giới thiệu nó đã làm bùng nổ Internet. Trước đó Internet đã tồn tại nhưng những người sử dụng đa số là người có trình độ tập trung ở Mỹ như viện nghiên cứu, cơ quan quân sự, trường đại học.

Dần dần, người ta thấy rằng Internet là một công cụ cũng rất hữu ích trong kinh doanh nên những doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao, tài chính – ngân hàng tiên phong vì họ có đội ngũ nhân viên có trình độ, tiền của cũng nhiều.

Đâu đó vào năm 1995, khoảng 1 năm sau khi trang web đầu tiên trên thế giới ra đời, điều kiện cần và đủ để Web có thể phổ biến ra toàn thế giới. Một số công ty ngửi thấy đây là một thứ cần quảng bá đến công chúng để họ có thể bắt đầu như một ngành kinh doanh.

Trang chủ Tripod năm 1998.

Người ta nhận thấy các nhà tiên phong về shared hosting như là: GeoCities, Tripod, Angelfire, Hostmonster,… cung cấp với giá rẻ, thậm chí có cả miễn phí gói nhỏ cho người mới làm quen với Web.

Sau 1996, khi phần mềm nổi danh cPanel ra đời, nó đã làm cho việc mở công ty kinh doanh shared hosting trở nên dễ dàng hơn, vậy là có sự bùng nổ, phát triển như bão lũ.

Nhưng phải qua thế kỷ XXI, tức sau sự cố Y2K người ta mới thấy đươc sự phổ biến của Web trong đời sống xã hội, khi mà ở các nước đang phát triển, các tiệm NET được mở ra, và tên tuổi như Yahoo! đồng nghĩa với việc online.

Trang chủ cpanel.net vào năm 2004.

Hiện nay trên thế giới theo một số bảng thống kê, có chừng 300 đến 400 ngàn công ty cung cấp dịch vụ hosting đủ loại. Thật là một ngành công nghiệp khủng!

2. Shared hosting ở Việt Nam

Những năm trước 2000, gần như trong nước không có mấy công ty tư nhân có website, cá nhân càng không có dù Internet cũng đã có trước đó ít lâu. Những tờ báo điện tử, vài trang web của bộ – ngành tiên phong có website. Các tên tuổi có thể kể như NetNam, SaigonNet, Tạp chí Quê Hương, Bộ Ngoại giao, công ty VDC.

Bạn có thể xem thêm trên Wikipedia về lịch sử Internet Việt Nam.

Internet đi trước, email đi trước, website đi sau, hosting là để phục vụ cho việc dựng website – đương nhiên, không cần phải nhắc lại. Người ta ghi nhận sự đình đám trong làng web ở Việt Nam đó là khi trang web dạng diễn đàn (forum) có tên Trí Tuệ Việt Nam được tạp chí dành cho học sinh, SV Hoa Học Trò đề cập đến. Thế là nhiêu kẻ bắt đầu “trèo lên mạng” xem thử nó có gì.

Trước đó hầu hết thanh niên nghĩ Web cao siêu, chỉ giới trí thức tinh hoa hoặc nhà nghiên cứu, giáo sư hoặc kỹ sư cao cấp nào đó mới có khả năng sờ đến, và tiền mỗi giờ truy cập ở một số tiệm NET ban đầu có giá cao hơn tô phở nên cũng là rào cản.

Thuở ban đầu các nhà cung cấp hosting Việt Nam nếu không tính các công ty có yếu tố nhà nước như NetNam, VNPT, Viettel, FPT, CMC mà là công ty tư nhân thì đa phần khởi nghiệp bằng cách làm đại lý hosting cho các công ty nước ngoài. Có khi phải đến 2002 mới lác đác vài nhà cung cấp hosting là doanh nghiệp ngoài nhà nước có server đặt tại Việt Nam. Những nhà cung cấp hosting đầu tiên ở Việt Nam thuở ban đầu “còn sống” tới 2024 là PA Việt Nam, Mắt Bão, Nhân Hòa.

3. Chút ít kỹ thuật về hosting dùng chung/ chia sẻ

Đã gọi là chém gió thì phải chém cho đến đầu đến đũa, nếu không, tui không phải chém với một thanh kiếm gió kiểu… xe Honda Airblade mà chém bằng 1 thanh kiếm han gỉ, đồ chơi trẻ em vứt bỏ bãi rác nào đó. Tui đang nói những gì tui biết ra cho bạn nghe thử có ổn?

Đầu tiên, trong làng hosting chia sẻ có thể có nhiều nhánh khác nhau mà tui không rõ cho lắm. Các ngách nhỏ hẹp kiểu như host một website ở “xứ thiên đường”, offshore hoặc liên quan đến những hoạt động kiểu thuyết âm mưu, đặt để một website theo kiểu “con đường tơ lụa” là tui không dám lạm bàn. Múa may mấy thứ đó là bốc phét, thiếu căn cứ, nói thiệt tui chưa tự tay làm, nói thêm thừa.

3.1. Về phần cứng những con/ cái/ chiếc server

Những server được các nhà cung cấp shared hosting ưa chuộng đó là server dạng blade server (không rõ tiếng Việt là gì, có lẽ do nó rút ra, tra vào kiểu rút kiếm nên có tên là… blade – loại này đặt cạnh vuông góc với mặt đất).

Minh họa một blade server

Một loại khác cũng thông dụng, đó là rack server hoặc gọi dài hơn là rack mount server (loại này dạng thớt đặt nằm ngang song song mặt đất).

Hình ảnh một rack server

Các công ty cho thuê hosting chưa đủ điên rồ đến mức đặt các server ngay trong văn phòng trụ sở của họ. Lý do là vì phải có hệ thống điện công nghiệp và bảo đảm an toàn theo các tiêu chuẩn trung tâm dữ liệu. Vì vậy, hầu hết các server đặt tập trung tại các data center (trung tâm dữ liệu).

Trung tâm dữ liệu do những công ty lớn/ tập đoàn đầu tư và cho thuê chỗ để đặt. Một số nhà cung cấp hosting lớn có thể tự xây data center riêng hoặc là đối tác đầu tư để sở hữu một phần trung tâm dữ liệu.

Hình ảnh bên ngoài 1 trung tâm dữ liệu của Viettel

Trung tâm dữ liệu bên ngoài thường đẹp lung linh, thiết kế cầu kỳ như một công trình kiến trúc nghệ thuật. Bên trong là các căn phòng trang bị máy lạnh, bộ lưu trữ điện, có tầng khác chứa máy phát điện phòng khi điện lưới bị mất đột ngột

Data center ngoài những thứ trực tiếp phục vụ cho các máy chủ, phòng điều hành với những thiết bị giám sát/ theo dõi có đội ngũ nhân viên túc trực 3 ca 24/7, họ còn phải trang bị những hạ tầng mạng tốc độ cao, ổn định kết nối trong nước, khu vực và quốc tế với đường truyền mạnh chưa kể là họ liên hệ với những đơn vị về an ninh, chữa lửa, cứu hộ để sẵn sàng ứng phó khi có sự cố.

Kể cả ngày cũng không hết chuyện về data center, nếu bạn thích những cái này bạn nên tìm hiểu các từ khó như Data Center Tier 3, Data Center Uptime, Data Center Standards, ISO/IEC 22237.

3.2. Hai nhánh shared hosting thông dụng

2 loại hosting thông dụng đó là hosting trên hệ điều hành Windows và hosting trên hệ điều hành họ Linux. Ngày nay, cho dù Windows có thể làm hosting cho các loại web được phát triển trên các script khác nhau, các distro Linux cũng thế. Do đó, tui bỏ qua các trường hợp ngoại lệ, chỉ bàn về cái thông dụng.

Thực thế thì sao? trong làng shared hosting thì kiểu quần áo may sẵn, không ai dại gì đâm đầu vào các ngách quá nhỏ hẹp nên khi bạn truy cập vào các website để thuê hosting, mà bạn định thuê hosting cho trang web/ ứng dụng web của bạn chạy trên nền .NET thì bạn chọn hosting Windows. Ngược lại, nếu trang web của bạn, khả năng cao là dùng WordPress, bạn nên chọn hosting Linux.

Lời khuyên: bạn đừng cố nghịch dại khi thuê hosting Windows để chạy những website được khuyến cáo dùng Linux và ngược lại. Lý do: bạn sẽ mất tiền và mất thời gian, chưa kể còn bị các bạn hỗ trợ kỹ thuật, chăm sóc khách hàng chửi là… đồ ngu.

Những người tập tèm chơi web nếu không học CNTT ra, ít ai dùng .NET và chọn hosting Windows. Lý do: vọc .NET (đọc là đốt nét) khó, đòi hỏi cấu hình máy mạnh, giá thuê hosting thường mắc hơn hosting Windows. Ngay cả trong việc cài đặt ở môi trường localhost để phát triển một ứng dụng .NET cũng đòi hỏi máy tính cấu hình mạnh. Nếu không nhầm thì lần cuối tui dựng môi trường để phát triển .NET đó là vào năm 2012 trên con server cũ mua thanh lý cũng gần xấp xỉ 30 chai (củ).

3.1.1. Phần mềm để quản lý hosting, file của bạn

Giao diện Plesk, cPael, DirectAdmin, WebsitePanel

Người thuê shared hosting sẽ được cung cấp một tài khoản để đăng nhập vào trìnhh điều khiển được gọi chung là control panel. Các trình này đa phần là phần mềm chạy trên nền web, tức khá giống với việc bạn sử dụng Google Mail qua trang gmail chấm vậy.

Trên thị trường có các tên tuổi thông dụng về phần mềm control panel như cPanel, DirectAdmin. Nếu bạn thuê Linux hosting, bạn sẽ thấy khi đăng ký trên trang nhà cung cấp có cPanel 70%, DirectAdmin 30%. cPanel dễ sử dụng hơn so với DirectAdmin nhưng mắc tiền hơn khi nhà cung cấp chọn dùng. Vì thế, nếu bạn thuê hosting nhìn vào 2 gói dịch vụ tương đương, gói sử dụng DirectAdmin thường có giá mềm hơn, một số nhà cung cấp có cả 2 để bạn lựa chọn, một số nhà cung cấp chỉ có 1 trong 2.

Tương tự, nếu bạn thuê shared hosting bên Windows, bạn cũng có control panel chạy trên web. Ở Việt Nam, hầu hết nhà cung cấp dùng Plesk. Nếu bạn thuê hosting nước ngoài, có thể có WebsitePanel.

3.1.2. Làm sao 1 server có thể chứa nhiều website

Về mặt lý thuyết ban đàu sơ khai của World Wide Web thì một server có một địa chỉ IP, và một tên miền domain sẽ được trỏ tới một địa chỉ IP. Suy ra, mỗi một domain sẽ có một trang web, và mỗi một trang web là chiếm trọn server. Như đã dông dài trên, tốn hẳn một chiếc xe buýt để chở một bé đi học, thật điên rồ!

Rút gọn WWW
Sơ đồ đơn giản hóa WWW

Theo dòng thời gian người ta bắt đầu nghĩ ra server có thể có nhiều địa chỉ IP dựa trên phần cứng (gắn thêm cạc mạng – NIC card vô các khe PC trên bo mạch) và dựa trên phần mềm (các kỹ thuật NAT, proxy, routing, và cả phần mềm web server…) để sao cho một server có thể gánh nhiều website. Đó là chưa kể, domain name lại đẻ ra sub-domain, rồi trên web hosting có thư mục chính, thư mục con/ phụ. Dẫn đến ngày nay các quan hệ 1 đối 1 trong lĩnh vực World Wide Web là.. lỗi thời.

Dông dài chán, đi vào cái tui biết cho nhanh. Như này, nếu bạn thuê hosting Windows nhé, trên đó sẽ có phần mềm web server tên là IIS (Internet Information Services) cho phép nhà bán hosting, thông qua chức năng quản trị của control panel đã kể trên, tạo ra các virtual host (host ảo), mỗi domain sẽ trỏ vào một virtual host này và nó có thư mục riêng của nó, người dùng thuê hosting (không bàn đến hacker) không thể truy cập của nguòi khác trên cùng server.

Tương ứng, ở thế giới Linux, phần mềm máy chủ web có thể là Apache, Nginx hoặc Litespeed cũng cho phép tạo ra các virtual host, gọi tắt là vhost. cPanel, DirectAdmin đảm trách việc này và các kỹ thuật viên của nhà cung cấp hosting thao tác khi bạn đăng ký gói hosting tương ứng.

Ngày nay các trình (phần mềm trên nền web kiểu như control panel) quản lý thanh toán tích hợp với control panel đạt mức hay ho đến nỗi ngay khi bạn đăng ký gói host, chuyển tiền qua app ngân hàng thành công, chưa tới 15 phút từ lúc thanh toán thành công hệ thống tự động tạo luôn gói hosting gửi email thông tin đăng nhập cho bạn. Bạn lập tức đăng nhập đưa các file lên hosting. Thât là “quá nhanh quá nguy hiểm” để có một trang web. Vô hình trung, mấy gã kỹ thuật được thuê về chỉ ngồi… vuốt râu hoặc ăn quà vặt xoài chua chấm mắm ruốc như tui từng làm.

3.1.3. Mấy cái như mail server, FTP server, data server, file server?

À há, mục đich chính của shared hosting là để chứa những trang web, phục vụ làm website. Tuy nhiên, Internet mạnh mẽ là vì có các dịch vụ khác ngoài web cùng song hành.

Vì email là phương tiện liên lạc rất tốt lại hầu như miễn phí nên được ưa chuộng. Các gói web hosting thường tặng kèm dịch vụ mail hosting, bạn có một số địa chỉ email kèm dung lượng đi kèm gói shared hosting mà bạn thuê. Tuy nhiên, email ngày nay khó gửi vào Inbox của các dịch vụ email lớn như Gmail, Outlook nên các nhà cung cấp hosting có dịch vụ cho thuê Mail Server riêng, ổn định hơn, gửi vào Inbox chắc ăn hơn và có khi nó còn mắc hơn cả web hosting.

Tương tự email thì có người chẳng cần làm web, họ chỉ cần cất một ít hình ảnh lên đó để cho bạn bè truy cập vào xem, thì lúc này có cái gọi là image hosting.

Rồi cũng có người cần thuê hosting để lưu trữ dữ liệu (thô sơ, không phải dạng chuyên nghiệp của một gã lập trình/ chuyên gia) hoặc một mớ file họ cũng có thể thuê shared hosting nhưng tính hữu ích dần mất đi, và ít khách hàng. Nhưng có thể nói đây là những gã lập dị ở thời điểm 2024. Lý do: ngày nay dịch vụ lưu trữ trên cloud như Google Drive, Microsoft OneDrive, Dropbox, Apple iCloud Drive,… hoặc chia sẻ file ở Việt Nam có Fshare của FPT.

Vậy, tới đây bạn hiểu web hosting là cái dịch vụ rất thông dụng. Ngoài ra người ta (ý nói các nhà cung cấp dịch vụ hosting) cho thuê không gian lưu trữ trên server còn có các dịch vụ khác tùy theo nhu cầu của khách hàng.

4. VPS, Cloud Hosting, Cloud Server là cái quái gì? Đám này có thay thế shared hosting?

Như bất cứ lĩnh vực nào, ảnh hưởng của kinh doanh đa cấp cũng tràn đến lĩnh vực kinh doanh hosting. Do đó mà có những khái niệm, thuật ngữ, sản phẩm với những cái tên mĩ miều ra đời. Tui không rõ tiếng Việt gọi này là cái gì, chỉ biết là “nói ngọng” líu lo kiểu đó là rất nhiều. Các nhân viên kinh doanh (mà bạn gọi là “bọn sales” ấy) “hót líu lo” mỗi ngày để rồi có một số lượng kha khá khách hàng cảm thấy bị lừa, bị lùa gà khi họ sớm phát hiện ra “bình mới, rượu cũ”.

Ở nước ngoài, có các dịch vụ có chữ “managed” đi trước, với ý nghĩa là nhà cung cấp hosting sẽ làm dịch vụ hỗ trợ thêm về kỹ thuật (quét mã độc, cập nhật mã nguồn, chăm sóc website, các việc vặt vãnh hoặc nâng cao,… ) cho khách hàng không chuyên hoặc có ít nhân lực hoặc không muốn tự tay thực hiện một số tác vụ kỹ thuật nhàm chán, không có giá trị về công sức, thời gian bỏ ra.

Ở Việt Nam, các dịch vụ này có vẻ không phổ biến lắm vì khách hàng hoặc tự tay làm tuốt hoăc thuê trọn gói hoặc cho rằng những thứ đó không cần thiết, tốn tiền vô ích. Thực tế thì các nhà cung cấp hosting Việt Nam dần nhận ra rằng họ cần hỗ trợ khách hàng (cài đặt trang web, di chuyển hosting, dữ liệu, sao lưu) giùm khách, không lấy tiền, để giữ chân khách hàng, hạn chế việc khách chọn nhà cung cấp khác. Cho nên, dịch vụ chăm sóc web giờ đây chủ yếu là do các bạn làm tự do, thường gọi là freelancer làm, tập trung vào việc tăng tốc website và tối ưu hóa SEO.

Sa đà vào mấy cái mà thật giả lẫn lộn thật mệt mỏi làm sao, tui không rảnh. Nhưng cũng phải nói lên quan điểm rằng trước đây ra sao, bây giờ thế nào để bạn có thêm thông tin.

Trước đây (trước 2014)

2 loại: shared hosting và cho thuê dedicated server (thuê nguyên server – làm gì khoan bàn).

Còn có thêm một loại là bạn mua server và thuê chỗ để đặt trong data center gọi là Co-location (được các nhà cung cáp data center hoặc hosting giới thiệu là ” cho thuê chỗ đặt máy chủ“.

Shared hosting là có hàng chục/ hàng trăm trang web nằm trên một con server vật lý, trong khi đó dedicated server thì khách hàng tự quản lý, ai biết họ làm gì :D.

Nhà cung cấp cảm thấy khó để nâng cấp, di dời lên gói dịch vụ cao hơn hoặc thấp hơn nếu server vật lý đã hết chỗ chứa hoặc không có cấu hình cho gói cước thâp hơn.

Cảm giác thật, vật lý, có cái máy bằng kim loại nằm ở đâu đó.

Hiện nay (sau 2014)

VPS là máy ảo (Virtual Private Server) nằm trên server vật lý.

Điện toán đám mây (cloud computing) làm phức tạp thế giới hosting. Các server được nối chung trong cái gọi là đám mây (cloud). Có cả đám mây công cộng (public cloud) và đám mây riêng (private cloud).

Người thuê shared hosting không chắc thư mục web của mình nằm ở đâu trên đám mây bởi không xác định một server cụ thể.

Nhà cung cấp hưởng sự tiện lợi bởi quản lý tập trung hơn, có thể chia sẻ tài nguyên, dễ quản lý được di dời, chuyển đổi, sao lưu, tiết kiệm nhân lực hơn.

Kết luận: tiện lợi cho nhà cung cấp hosting, dân marketing và sales để có thêm sản phẩm để quảng bá, bán hàng. Khách hàng không chắc mình đang phiêu lưu kiểu gì, khó đánh giá được mức độ hữu ích.

Túm lại đoạn lằng nhằng trên: bạn có chút ít về kỹ thuật mới nên thuê VPS,. Ngược lại, hãy cứ thuê shared hosting cho dễ sử dụng. Đừng có nghe những bạn nhân viên kinh doanh có hứa hẹn là họ sẽ cài control panel giống như shared hosting để bạn tiện sử dụng, tốn 17% tài nguyên VPS cho một control panel và tiền trả cho nó nữa sẽ khiến bạn cháy túi.

Thay cho cái kết: nếu bạn đã dám thuê một dedicated server hoặc mua hẳn để đặt colocation, tui không dám khuyên gì bạn vì bạn đang ở trên Sao Hỏa, còn tui vẫn ở Trái Đất./.

Lên đầu trang