Biểu tượng website Khó ăn cát bê tông

Tại sao IT, lập trình không dễ ăn, lắm mơ mộng

Bài này đăng lại comment từ một status Facebook do chính tác giả comment trên group Facebook mang tên Học lập trình web (F8 – Fullstack.edu.vn). Tại sao đăng lại? Tại vì thấy có vẻ như nhiều bạn trẻ (và không còn quá trẻ nữa khi ở tuổi 26 đến 32) mà lại hay hỏi những câu rất lơ ngơ. Có thể một trong số đó vô tình vào KACBT để học HTML, sẵn đọc luôn cho bớt mơ mộng.

Vấn đề của những bạn mơ bước chân vào lập trình là gì?

Vấn đề lớn nhất của những người không đủ tiêu chuẩn để gia nhập nghề mới dù loay hoay nhiều năm, học lung tung cả lên hết trung tâm nọ, trung tâm kia, mua hàng chục khóa học online với giá khoảng 9 đến 99 đô la.

Gần đây, tui vô tình nghe một Podcast về những người học lập trình kiểu mì ăn liền. Podcast đó phản ánh một thực tế rằng nhiều kẻ mơ mộng, suy nghĩ khá hời hợt về nghề lập trình.

Mấy cái KHÔNG sau cần giải quyết hoặc khắc phục phần lớn thì tiêu chuẩn nghề mới nâng cao lên được, mới có thể đi làm.

  • Tiếng Anh yếu kém: cái này đánh rớt hết 80% những người mơ mộng muốn chuyển sang làm trong lĩnh vực lập trình, hay nói đúng hơn, chưa tới được bãi gửi xe lấy gì mà tham dự sự kiện?
  • Người học không chịu kết bạn ngoài đời, không đi chơi giao lưu với dân trong nghề để học hỏi, không mò đến các event về ngành định chuyển qua để được tắm trong không khí của nó, để hít thở, ngửi mùi, kích thích sự hứng thú với nghề mới. Trong khi đó toàn lên mạng tám với dân ngoại đạo, showbiz của nghề hơn là dân trong nghề. Dân trong nghề thực thụ lại ít tám trên mạng, có tám họ toàn vô những chỗ khá chuyên sâu.
  • Tạp chí chuyên ngành là “vũ khí” rất quan trọng để tìm hiểu, học hỏi, nghiên cứu một chuyên môn mới nhưng hầu hết thanh niên Việt Nam (trừ những HS, SV từng làm nghiên cứu khoa học ở trường/ đại học hoặc bị thầy cô giáo bắt tìm đọc tạp chí để làm bài tập/ đề tài nghiên cứu) KHÔNG biết tạp chí chuyên ngành là gì, ngay cả dân đang trong nghề còn chưa biết đến có sự tồn tại của chúng, mà lại cho rằng chúng kém hữu ích, và hẳn họ chỉ ở mức thợ code là hết mức.
  • Người học sợ, ngại đọc sách và cũng sợ tham gia các khóa học dạng MOOC đủ chuẩn SCORM hoặc AICC mà chỉ thích xem clip, đọc các tut, xem video clip, học mót các course dạng bootcamp mà người hướng dẫn không có chứng chỉ về sư phạm giảng dạy.

Đặc điểm của nghề mang tính kỹ thuật/ ứng dụng như IT, lập trình

Ngành kỹ thuật khác nhiều so với các ngành xã hội đó là phải đề cao tính chất làm để học chứ không phải học để làm. Cho nên, người học phải nhúng tay vào làm mới học được. Ai có tư tưởng học lý thuyết cho nhuyễn rồi mới thực hành là hỏng, hỏng bét, hoặc chỉ học thực hành, xao nhãng lý thuyết cũng hỏng. Hai món này phải đan xen, cài vào nhau trong mỗi buổi học thì mới là cách học phù hợp.

Ví dụ như để làm được giao diện trang web thì phải lôi “đồ nghề” là trình soạn thảo văn bản thô, thu thập các file hình ảnh (được thiết kế trên Photoshop, tìm kiếm trên mạng, kho ảnh trước đó) rồi ngồi mà lắp chúng lại, trong quá trình lắp sẽ phải thì đọc “tài liệu hướng dẫn”, không khác so với lấy bộ đồ chơi lắp ghép Lego ra chơi.

Để học được vào, được thấm, hiểu rõ, khi học người học cần phải ép bản thân mình vào tư thế không thoải mái, tránh rơi vào giấc ngủ hoặc dễ bị xao nhãng bởi mấy thứ linh tinh. Bạn có thể tham khảo một cô bác sĩ người Anh nói về việc này.

Ví dụ: kiếm một cái màn hình mà 25 phút nó tắt một lần, 5 phút sau mới lại bật lên được thì ta sẽ thấy 25 phút rất quý báu, tranh thủ mà cày cho xong đoạn code nào đó tránh để màn hình làm cho mất hứng. Bàn phím thì nên mua một cái second-hand tiếng Nhật để buộc phải thuộc cách gõ code, bởi việc nhìn mặt phím là vô dụng. Tất nhiên, bạn đừng ngây thơ nghĩ rằng có cái màn hình nào mua mới ngoài tiệm có sẵn chức năng 25 phút tắt một lần. Cách học là bạn phải suy nghĩ vấn đề, tìm kiếm phần mềm trên máy tính để thực hiện chức năng đó cho bạn.

Kết: Khắc phục được các vấn đề trên, việc chuyển sang nghề viết code là trong tầm tay các bạn.

Đăng tại Chưa phân loại