Khó ăn cát bê tông

Menu

Danh mục: Chưa phân loại

Cách tiếp cận vấn đề

Trong thực tế có 2 cách tiếp cận vấn đề thông dụng. Bạn cần sớm chọn một trong hai để bắt đầu, chần chừ sẽ khiến thời gian bỏ bạn lại phía sau.

Hai cách tiếp cận này hay được áp dụng trong khoa học, nhưng trong đời sống chúng ta cũng cần biết để giải quyết các vấn đề hiệu quả hơn.

Cách 1: từ chi tiết đến tổng quát (quy nạp)

Đi từ quan sát, hình thành mẫu, giả thuyết cần chứng minh, lý thuyết

Quy nạp có gì đó mang tính chất làm để học. Bắt tay vào quan sát, thử bắt tay làm, rút ra được những mẫu thứ chung, rồi kiểm nghiệm, cuối cùng đưa ra lý thuyết mang tính tổng quát hóa.

Quy nạp giúp ta hiểu được cái chung, tổng quát từ những cái riêng, bộ phận.

Cách 2: đi từ tổng quát, chung đến riêng, bộ phận (diễn dịch)

Đi từ lý thuyết đến giả thuyết, quan sát, cuối cùng xác nhận

Bạn sẽ tìm hiểu lý thuyết trước, rồi xem cách cách người ta đặt giả thuyết, quan sát, lập luận, cuối cùng là xác nhận.

Diễn dịch giúp cho từ cái chung, tổng quát hiểu được cái riêng.

Hai cách trên đều giúp người tiếp cận nâng cao quá trình nhận thức. Không có cách nào ưu điểm hơn cách nào mà tùy từng tình huống áp dụng một cách linh hoạt.

Cách 3: vô chiêu nghĩa là hữu chiêu, hữu chiêu cũng là vô chiêu

Cách này lắm lúc mang lại sự thực dụng đáng ngạc nhiên, nhưng trên thế giới người ta không đánh giá cao cách làm thiếu hệ thống như cách này.

Khi là người mới học, người mới trong một lĩnh vực, bạn đừng nên áp dụng cách 3 này bởi vì nó sẽ không giúp ích, sẽ lặp lại rất nhiều sai lầm để học hỏi, tốn thời gian.

Chỉ nên sử dụng cách này khi bạn đã lên một mức gọi là thuần thục trong nghề. Giống như một võ sư, phải ở mức như Lý Tiểu Long, ông ấy mới cảm thấy Vịnh Xuân Quyền là gò bó, nên đã sáng tác ra Tiệt Quyền Đạo. Chuyện này hiếm, bạn khoan mơ mộng.

Khóa học chính thống, xịn sò về Web

Thông tin trên mạng rất nhiều, thừa mứa dẫn đến tình trạng tin dỏm, tin giả, tin kém chất lượng,… làm bạn lạc vào mê hồn trận. Hệ quả là nhiều người chưa vững về infomation literacy, Web literacy, digital literacy… sẽ lạc lối, không tìm ra được cái mình cần dù biết nó đang tồn tại ngay phía sau ô tìm kiếm.

KACBT xin cung cấp đến bạn một số khóa học về Web chất lượng, miễn phí bằng tiếng Anh. Nếu bạn có thể học được trực tiếp từ các trang đó thay vì các bài viết ở website KACBT này quả là tuyệt vời, chúng tôi cũng có dịp… làm biếng.

  • W3Cx – Free online courses from The World Wide Web Consortium (W3C): có nhiều khóa học khác nhau liên quan đến web, bạn chỉ cần học lần lượt theo các mô-đun được liệt kê trên đó.
  • Nếu bạn có thể nghe – hiểu tiếng Anh tốt, thích cách học sinh động có kèm media, một khoá học Build your first web pages with HTML and CSS của Google cũng rất tuyệt.
  • Một dạng khác không phải khoá học mà học kiểu tương tác như chơi game, một số người học rất hiệu quả với phương pháp này, bạn có thể thử với learn-html chấm org

KACBT tự hào là một trong những người rất ít tham gia vào việc lan truyền tin giả trên mạng xã hội, cũng như có khả năng thẩm định thông tin bởi vì tiếp cận Internet từ khá sớm, công việc cũng liên quan đến việc sàng lọc thông tin rất nhiều nên độ nhạy về thẩm định thông tin khá cao.

Những lưu ý cần nhớ nằm lòng

Lưu ý cho người chỉ mới học HTML, CSS, JavaScript

Khi cài đặt XAMPP, tốt hơn hết là cài vào ổ đĩa D: hoặc E: thay vì C: mặc định. Lý do: khi Windows bị hỏng, bạn thường hay cài lại, mọi thứ bạn học có nguy cơ biến mất nếu không nhớ sao lưu.

Ban đầu, lúc mới học web tĩnh, chỉ bấm nút Start theo mũi tên đỏ ở hình bên dưới khi khởi động XAMPP mà thôi, chưa cần các chức năng khác.

Hình 1. Click nút Start để khởi động máy chủ web ApacheApache

Một khi máy chủ Apache đã chạy thành công, nút sẽ chuyển sang Stop. Nếu hiện lên dòng chữ màu đỏ báo lỗi nào đó cần phải khắc phục trước khi truy cập http://localhost/

Giả sử nếu cài XAMPP vào D: thì thư mục D:\xampp\htdocs sẽ là thư mục gốc.

Ở các bài thực hành bạn cần tạo/ lưu file vào htdocs và/ hoặc tạo thư mục con trong thư mục này và đặt cái file HTML, image, JS, CSS vào đó.

Sử dụng trình soạn thảo thô sơ mục đích là để có thể nhớ được nằm lòng một số thẻ HTML.

Tránh trường hợp mới học đã sử dụng trình soạn thảo có chức năng nhắc bài “đến tận chân răng”. Vội vàng dùng công cụ mạnh sẽ dẫn đến tình trạng lơ mơ, thiếu ghi nhớ được vài thứ căn bản buộc phải nhớ.

Khi đi phỏng vấn xin việc, nhà tuyển dụng cho bài kiểm tra trên trình soạn thảo thô sơ, ứng viên không thể nhớ được các thẻ đơn giản, thông dụng đã lộ ra rằng rất thiếu chuyên nghiệp, không vượt qua vòng phỏng vấn.

Lưu ý cho người đang học PHP

Với những bài học chưa cần đến cơ sở dữ liệu, chỉ cần khởi động gống Hình 1 ở trên. Khi nào học đến bài có cơ sở dữ liệu mới bấm nút Start ở dòng có chữ MySQL.

Cần phải nắm về HTML, CSS, JavaScript trước khi bắt tay học PHP. Đừng nghe người khác/ trên mạng xã hội nói rằng mấy cái kia không cần phải biết vì đó là lập trình front-end, còn PHP là lập trình back-end. Sai lầm chết người đấy!

Nếu bạn chỉ biết back-end, biết quá ít hoặc không biết tí gì về front-end, bạn sẽ giống như mấy gã được thuê khiêng vác dụng cụ cho sân khấu mà thôi.

Lưu ý chung cho người mới học

Sau khi kết thúc buổi học nếu bạn không có thói quen để máy tính chạy 24/7 thì bạn cần phải đóng hết các phần mềm bạn đang dùng, nhất là các phân mềm thực hành trong quá trình học. Gợi ý:

  1. Trình duyệt Microsoft Edge trên Windows 10, 11 cho đến tháng 8/2022 chưa hỗ trợ định dạng file hình ảnh AVIF, bạn sẽ không thấy được hình ảnh minh họa. Do vậy, đề xuất sử dụng trình duyệt Mozilla Firefox hoặc Google Chrome.
  2. Đóng trình duyệt web: nếu trình duyệt có ghi nhớ tab cho lần mở sau, tốt hơn hết là đóng hết từng tab để lần sau mở trình duyệt lên không bị nặng máy, hết RAM nếu máy không mạnh lắm.
  3. Đóng trình soạn thảo mã: những gì cần save thì khi được hỏi bạn nhớ Save, tránh lần sau ngồi gõ lại mất thời gian vô ích hoặc không nhớ bài cũ đã học gì.
  4. Đóng XAMPP: bấm các nút Stop ở những dòng Apache, MySQL để máy chủ được đóng, dữ liệu được lưu hoàn chỉnh.

Những lưu ý trên có vẻ thừa thãi? Thực sự, bạn cần tập thói quen “thực hành tốt” ngay từ đầu để sau này trong việc làm web sẽ mang tính chuyên nghiệp, có tác phong công nghiệp cao.

Lập trình back-end là gì?

Bạn cứ xem một trang web, một web site như một sân khấu sự kiện hoặc một bộ phim bạn xem đi cho dễ hình dung. Phần mà bạn thấy được gọi là front-end, nếu dùng tiếng Việt nó gần như là giao diện hoặc mặt tiền trang web vậy.

Vậy, phần mà bạn không nhìn thấy, như ở sân khấu, ở phim trường, những công việc vận hành nội bộ đó được xem như back-end.

Nói theo ngôn ngữ CNTT, lập trình back-end chính là lập trình ở phía server (server-side programming). Tức là mã bạn viết ra được đặt trên server, được xử lý bởi web server chứ không phải trên trình duyệt của người duyệt web.

Phần bên trái thể hiện back-end.

Suy ra từ việc làm một bộ phim, bạn sẽ dễ dàng thấy rằng kết quả của back-end sẽ được chuyển giao cho front-end để phục vụ người xem. Phim thì gọi là khán giả, những người duyệt web thì gọi là người dùng (user) hoặc khách truy cập web (visitor).

Các ngôn ngữ lập trình thường dùng để viết mã cho back-end: Python, PHP, JavaScript, Ruby, Java, C#

Với những dự án web lớn, người ta thường dùng các khung mẫu (framework) và/ hoặc thư viện (library) có sẵn thay vì làm từ đầu.

Vài framework thông dụng: Laravel (PHP), Django (Python), Spring (Java), Ruby on Rails (Ruby), Meteor (JavaScript), Node.js (môi trường phát triển JavaScript), ASP.NET MVC (C Sharp).

Cũng cần phải có cơ sở dữ liệu để lưu trữ thông tin vì bản thân ngôn ngữ lập trình tự nó không thể quản lý dữ liệu hiệu quả. Người lập trình back-end thường dùng một trong các hệ quản trị cơ sử dữ liệu (CSDL): SQLite, MongoDB, MySQL, Oracle, SQL Server, IBM DB2,…

Để kết quả tạo ra trả về được cho client (tức trình duyệt web hoặc phần mềm đóng vai trò client) thì phải có web server. Những web server thông dụng: Apache, Nginx, Lighttpd, Litespeed, Caddy, Microsoft IIS, Tomcat, Jetty.

Một số trong những thứ kể trên đi với nhau theo dạng combo nên người ta sẽ gọi tắt thành các tên bạn thương gặp như: LAMP stack, MEAN stack, MERN stack, JAMStack.

Tất nhiên, không bắt buộc bạn phải đi theo bộ chuẩn như trên nếu bạn là một người viết mã khá. Nếu áp dụng cách kết hợp lạ, bạn sẽ đối mặt vấn đề khó tra cứu, tham khảo tài liệu trên các cộng đồng chia sẻ công cộng về lập trình một khi bạn gặp vướng mắc trong quá trình lập trình, viết mã.

Đồ nghề cho người mới bắt đầu

Những công cụ bạn cần phải trang bị cho máy tính của bạn trước khi bắt đầu, nếu không, bạn sẽ chẳng có cái gì để thực hành theo những bài viết.

  1. Trình soạn thảo văn bản thô Notepad Plus Plus
  2. Máy chủ web (web server) XAMPP
  3. Trình soạn thảo code trực tuyến CodePen (nên tạo một tài khoản để có thể lưu code)

Chỉ cần bấy nhiêu đó thôi, trình duyệt web thì có thể dùng Mozilla Firefox, Microsoft Edge hoặc Google Chrome đều được, một trong những thứ đó hẳn có trên máy tính của bạn.

Quy ước khi học, đọc bài PHP

Sau đây là các quy ước trong những bài viết về lập trình web với PHP. KACBT thường xuyên cập nhật, bổ sung để tốt dần theo thời gian.

Con voi là biểu tượng của ngôn ngữ PHP

PHP là một ngôn ngữ lập trình nói hẳn là khá kém về mặt thiết kế. Lúc thì PHP phân biệt chữ HOA, chữ thường, lúc lại không nên rất gây sự bực mình với những người đã học các ngôn ngữ có thiết kế đẹp trước đó.

Rồi các thứ khác cũng lộn xộn cả lên trong cú pháp, cách đặt tên hàm… nói chung là đầy nhược điểm.

Thật quái lạ, PHP lại là ngôn ngữ khá dễ học cho người bắt đầu. Dân tay ngang nhảy vào làm web rất yêu thích bởi vì việc cài cắm đơn giản, sớm bắt đầu viết được ngay những dòng mã “sờ thấy được” mà với các ngôn ngữ khác người học có khi mất đến 5-7 buổi đầu tiên.

Ngôn ngữ PHP – một ngôn ngữ lập trình dở ẹc

Bạn cần đọc các bài ở PHP-FIG để học theo cách viết mã trên ấy. Sau đây, KACBT liệt kê ra một số thứ nên áp dụng trong ngày học đầu tiên.

Quy cách viết mã PHP theo chuẩn

  1. Luôn dùng mở đầu file PHP dạng dài. Tức là vào file phải là dấu bé, php rồi dấu hỏi. Không áp dụng cách viết mã tắt vì khi thay đổi môi trường mà web server không phải do ta cài đặt, cấu hình sẽ gây nguy cơ mã không chạy được.
  2. Khi lưu file PHP phải ở dạng encoding là UTF-8 without BOM. Nếu bạn dùng Notepad++ mặc định đã đạt điều này mà không phải chỉnh sửa gì thêm, chỉ cần lưu file bình thường.
  3. Ký tự xuống

Lời hay ý đẹp tạo cảm hứng mỗi ngày

“Đừng bao giờ để mình trở thành người đứng ngoài cuộc. Hãy tích cực tham gia và mạnh dạn dấn thân vào những sự thử thách, luôn tò mò và học hỏi những điều mới, và nỗ lực để tạo ra được nhiều sự khác biệt” (“Don’t be a bystander. Be involved, be engaged, be curious, make a difference.”) — Howard Schultz

Học lập trình Frontend là học những gì?

Ngày xưa (từ năm 1994 đến chừng 2003) thế giới web khá đơn giản, lúc đó không có khái niệm front-end, back-end gì hết, chỉ có web tĩnh và web động. Hoặc nói thiên hướng kỹ thuật một chút, liên quan đến lập trình thì có client side script và server side script.

Ngày nay, phát triển web là một lĩnh vực trăm hoa đua nở, trở thành một nhánh phát triển phần mềm khá ồn ào, đông đảo ngươi tham gia, lấn át cả nhánh viết phần mềm cho desktop.

Vì vậy, bạn cũng cần biết chút ít về cách làm một trang web dù bạn chẳng phải dân CNTT.

Dễ thôi, nếu bạn siêng vào đây đọc bài, ngày nào đó bạn làm trang web ngon lành, chơi cũng được, dùng kiếm cơm cũng ổn.

Lộ trình phát triển web theo hướng frontend.

Nghe cứ rối beng cho người bắt đầu, nhất là những người muốn tự học. KACBT chúng tôi giải thích mấy cái này mệt xỉu mà cũng không biết viết ra như thế nào để tường bận vấn đề.

Viết dài thành một cuốn sách không ai đọc, viết ngắn người đọc không nắm được. Làm video clip thì nói thật là người ta xem giải trí thôi, không có tác dụng mấy về mảng học hành.

Thử tìm trên YouTube chúng tôi thấy rất nhiều movie clip hướng dẫn làm web đủ thể loại. Chất lượng giảng dạy đủ hạng mức, số lượt view cũng cao.

Quái lạ, vẫn rất nhiều người ngỏ ý KACBT mở khóa học để giúp họ làm web.

Website này như một thử nghiệm hỗ trợ những ai mong muốn làm một website tự tay, cứ thử cái đã, việc gì tiếp theo tính sau.

Bên trái là “đồ nghề” dành cho người làm frontend. Bên phải là dành cho người làm backend.

Vắn tắt, bạn cần nắm HTML, CSS, JavaScript nếu muốn làm trang web thiên về giao diện, hình ảnh, những cái người duyệt web nhìn thấy khi truy cập.

Có người đọc quá nhiều bài viết linh tinh, lại không chịu bắt tay vào thực hành, dẫn đến họ nói về front-end nghe rất khủng khiếp, cứ như một chuyên gia thực thụ.

Trong thực tế, vài năm trôi qua, họ vẫn chưa có, chưa làm được một trang web nào, cũng không thuê ai khác làm, họ vẫn tiếp tục mô tả về web, thật khôi hài.

KACBT theo kiểu cứ mỗi ngày làm chút một, như một trò chơi, sở thích lúc rảnh. Trang web được tạo ra có ra hình hài ổn ổn hay không tính sau, được vọc là vui rồi.

Ghi nhớ Học lập trình front-end là học viết mã HTML, CSS, JavaScript.

Người không chuyên CNTT nên học thế nào?

Học với tinh thần thoải mái, vui vẻ

Học cách của trẻ em chơi với đồ chơi

Đọc các bài viết sẽ có những hướng dẫn chi tiết, mô tả, giải thích từng dòng code có tác dụng gì, ra làm sao. Bạn cần ngồi gõ lại giống như vậy để được… thất bại. Thất bại lúc này là điều tốt chứ không phải điều tệ hại.

KACBT cố tình không cung cấp những đoạn code có thể copy & paste được. Chúng tôi dùng hình ảnh để hiển thị mã (code), đôi lúc rất khó đọc, đó là dụng ý chứ không phải công nghệ kém cỏi hoặc cách hướng dẫn lỗi thời, cũ kỹ.

Mẫu web HTML5
Hình 1. Một trang web khởi đầu, đơn giản nhất

Cách của trẻ em đó là sau khi làm theo, tạo ra được một trang web như trên, bọn nhóc sẽ thử thay đổi, chỉnh sửa cái gì đó trong những dòng 1 đến 29 liệt kê trên hình để quan sát xem có chuyện gì xảy ra khi sửa này nọ. Bạn cũng nên làm như vậy dù bạn là người lớn.

Khi quậy tưng lên, hoay hoay với các đoạn mã làm nên trang web bạn sẽ hiểu vấn đề hơn. Bạn không khác gì một cậu nhóc phá banh chiếc xe nhựa, một bé gái kéo tóc, lột váy búp bê Barbie.

Mở thiết bị đồ chơi
Hình 2. Trẻ em thích tìm tòi, tháo tung đồ chơi, bạn cũng từng như vậy.

Một khi bạn phải tự tay làm, mệt nhọc với các đoạn HTML, não của bạn mới có cơ hội được rèn luyện, các nơ-ron được cố kết với nhau. Từ đó, một thời gian sau đó sẽ giúp cho bạn sáng ý ra, làm được những thứ mà những học sinh từng quanh năm tới lớp học thêm của thầy cô giáo không làm được bởi vì họ đã mất đi khả năng tự học, tự đánh vật với bài tập.

Sự trăn trở của người trưởng thành

Trẻ em tư duy mang tính trực quan, cần đến hình ảnh nhiều hơn so với người lớn. Do vậy, việc nhìn, xem, thấy rồi bắt chước làm theo là một cách học hiệu quả.

Hình 3. Trẻ em sẽ chơi với trang web như này rồi mới viết mã

Trong khi đó, là người lớn, bạn cần phải sử dụng đến khả năng trừu tượng hóa tích lũy được qua bao nhiêu năm đi học. Bạn phải tập đọc hiểu các bài viết toàn chữ, hiểu được nó, thực hành rồi mở rộng vấn đề, nâng cấp lên, gọi là học một biết hai, ba,… hoặc mười.

Hình 4. Với người lớn, bạn cần phải hiểu được hình trên

Nếu bạn làm web mà chỉ như hình bên trái thì còn ở mức rất nghiệp dư. Đến lúc nào đó bạn sẽ phải chuyển sang mức ở hình bên phải.

Tuy học trên trang web KACBT này để làm web chơi là chính, học như một nghề tính sau, bạn vẫn nên đạt mức “tiêu chuẩn công nghiệp“.

CNTT, làm web là lĩnh vực trí tuệ hơn cơ bắp

Bạn từng nghe câu “một trí tuệ minh mẫn trong một cơ thể cường tráng“, và cũng nghe câu “đầu óc ngu si, tứ chi phát triển“. Hai câu trên bạn tin tưởng câu nào có lý hơn?

KACBT không phải là những nhà khoa học để khẳng định câu nào có lý hơn, chỉ thử có một tấm hình sau, bạn xem và cảm nhận:

Hình 5. Hãy xem não cũng là một dạng cơ bắp, vẫn có thể “tập gym” cho não

Điều chúng tôi nhắn nhủ: bạn nên rèn luyện việc làm web mỗi ngày để trở nên thành thạo hơn, tạo ra những trang web đẹp hơn, ấn tượng hơn chứ không phải bàn chuyện cơ bắp hay trí não gì ở đây.

Giao lưu, cọ xát để có cách làm hay hơn, tốt hơn

Trong lĩnh vực thể thao, đi thi đấu giao hữu, cọ xát rất quan trọng để một đội trở nên giỏi hơn. Trong việc học cũng vậy, bạn cũng nên giao lưu với những người đang làm web, người đang học làm web khác.

Hình 6. Cùng ngồi làm chung vài buổi mỗi tháng sẽ tiến bộ đáng kinh ngạc

Một số bạn từng phàn nàn với chúng tôi rằng không tìm ra chỗ để giao lưu vì là ở tỉnh thành nhỏ, ít người biết web là gì.

KACBT cho rằng chỉ là do bạn không thử đứng ra tạo sân chơi, rủ người khác cùng chơi nếu rơi vào trường hợp bạn không tìm thấy sân chơi. Ngày nay, bạn dễ dàng đăng lên group Facebook của địa phương bạn, ít ra cũng sớm lập được nhóm 5-6 người. Đừng có ngại vì bạn mới học không biết gì mà bày đặt. Chẳng ai chê cười người ham học đâu, chỉ có mấy thằng ngu mới tỏ thái độ thôi, bạn mà sợ mấy thằng ngu để rồi chùn bước học tập thì KACBT cũng không biết nói sao.

Quy ước viết từ/ ngữ trong các bài viết

Để dễ dàng cho các bạn đọc, hiểu bài học, chúng tôi liệt kê một số quy ước trong bài viết để các bạn khi đọc phân biệt được đâu là mã cần viết, cách gọi tên, từ khóa tra cứu thêm trên Internet.

Đây là quy ước khi học HTML, CSS, JavaScript. Quy ước khi học PHP có bài riêng.

Chúng tôi tự xưng là Khó ăn cát bê tông (viết tắt KACBT).

Ký hiệu:
Mẹo, tips, lời khuyên: đây là mẹo/ lời khuyên hữu ích cho bạn
Ghi chú, ghi nhớ: điều cần ghi nhớ nằm lòng
Biểu tượng cảnh báo: chú ý/ cẩn thận

I. Quy ước chung

1. Tên file, file (tập tin)

Tên file luôn sử dụng chữ thường, không chứa khoảng trắng, nếu muốn dễ đọc ta dùng dấu gạch ngang (dấu trừ trên bàn phím).

Tên file không chứa ký tự tiếng Việt có dấu, không chứa ký tự đặc biệt nào khác dấu trừ kể trên.

Đặt tên file HTML

File luôn được lưu với Encoding là utf-8 (without BOM) để nội dung tiếng Việt hiển thị tốt, không bị mã hóa ra dạng giun dế không thể đọc.

Tips Các bài học nên sử dụng 1 trong 2 trình soạn thảo code được gợi ý tại đây.

2. Quy ước trong nội dung file HTML

Các thẻ HTML không phân biệt chữ HOA, chữ thường. Theo thông lệ chung hiện nay, KACBT gợi ý bạn một số quy ước nên tuân thủ để việc tra cứu, học hỏi nâng cao về sau thuận tiện, dễ dàng.

Trong nội dung một file HTML, các thẻ (tag) đều viết chữ thường. Nếu nội dung tag dài, nên đặt tag mở (opening tag) trên một dòng, nội dung (text) gồm một số dòng khác, tag đóng (closing tag) nằm trên một dòng riêng. Ví dụ:

JavaScript được viết hoa chữ S vì đây gần như là tên riêng, danh từ riêng, hoặc nhãn hiệu. JavaScript được viết tắt là JS.

Thẻ trống (empty tag) thì nên sử dụng tự đóng thẻ:

Các thẻ rỗng (empty tag) nên tự đóng

Tên thẻ, một khoảng trắng rồi đến dấu chém tới (slash) dù không bắt buộc.

Những thẻ rỗng không thể làm theo cách thẻ có nội dung. Nghĩa là:

Thẻ rỗng viết theo kiểu thẻ có nội dung là không hợp lệ!

sẽ được xem là thẻ không hợp lệ (invalid tag).

Ở những bài học đầu tiên, khi CSS chỉ để minh họa cho HTML ta có thể viết trực tiếp CSS vào phần HEAD, bên trong thẻ STYLE.

Những bài học về sau, khi dùng CSS, JS phải tạo file riêng, không viết CSS, JS trực tiếp vào file HTML.

II. Quy ước của KACBT trong bài viết về HTML, CSS, JS

Thẻ (tag): là quy tắc đánh dấu trong HTML để trình duyệt biết cách mà xử lý. Cấu tạo chung của thẻ sẽ gồm <tên-thẻ>Nội dung của thẻ</tên-thẻ>

Thẻ DIV, thẻ P được viết khá đầy đủ

Nếu thẻ thuộc loại không có nội dung, sẽ là <tên thẻ />, minh họa:

Thẻ IMG – chèn ảnh vào nội dung HTML

Khi KACBT viết “hãy tạo một HEAD” (chữ HEAD viết hoa, viết HOA cho dễ đọc chứ không phải là bắt buộc về quy định của W3C khi soạn HTML), bạn cần nhập nội dung:

HÌnh 1. Cách viết một thẻ HTML một cách tổng quát

Tương tự, bạn thấy KACBT viết “hãy tạo một DIV” thì bạn nhập:

Thẻ DIV
Hình 2. Khi nói tạo một DIV

Thay từ HEAD, DIV bằng từ khác như P, SECTION,… bạn đọc thấy trong bài, những từ được viết in HOA 100%.

Mặc dù trong HTML không phân biệt chữ hoa với chữ thường, nhưng khi tạo thẻ, ta nên viết thường toàn bộ như trên.

Diễn giải bằng lời cho một tag đầy đủ:

Lần lượt nhập từ bàn phím:

  1. Dấu bé (dấu <)
  2. Tên thẻ (ví dụ: p, div, title)
  3. Dấu lớn (dấu >)
  4. Nội dung thẻ (text) nếu thẻ có nội dung
  5. Dấu bé (dấu <)
  6. Dấu xuyệt chém tới (dấu / slash)
  7. Tên thẻ (giống 2. ở trên)
  8. Dấu lớn (dấu >)
Minh họa cấu tạo một thẻ HTML

Khi tag không có nội dung text, trông tag như sau:

Tag không có nội dung

Thẻ (tag) và phần tử (element) quan hệ với nhau thế nào?

Khi KACBT viết “tạo một Đoạn văn” hoặc “tạo một Paragraph” hoặc “tạo một P”, bạn phải linh động để hiểu mục đích đều yêu cầu bạn tạo thẻ P.

Trong các bài viết HTML, chúng tôi sử dụng các từ khác nhau để đề cập element như: phần tử, thành phần, nhân tố, đối tượng. Bạn cần linh động nắm bắt!

Khi KACBT viết “tạo Image” hoặc “tạo IMG” hoặc “tạo element hình ảnh” bạn phải ngay lập tức biết rằng đang yêu cầu bạn nhập đoạn mã:

Element đại diện cho một hình ảnh

Chú ý có một thẻ HTML tên là HTML, nó cũng giống như bạn tên Nguyễn Văn Tên, khi người khác hỏi bạn: bạn tên gì? Bạn đáp: tôi tên Tên. Tức là trong file HTML có tồn tại duy nhất một thẻ:

Thẻ HTML trong file HTML

Trật tự, thứ tự các thuộc tính (attribute) trong một thẻ HTML không quan trọng. Thường thì các thuộc tính quan trọng/ thường dùng/ để nhận diện người ta sẽ cho đứng trước. Ví dụ:

Các dòng 1, 3, 4 trên là tương đương, cho ra cùng một element IMG.

Trong hầu hết các ngôn ngữ lập trình, ngôn ngữ máy tính đều cho phép người viết tạo các ghi chú. HTML cũng không phải là ngoại lệ.

Bạn muốn ghi chú gì (comment) đó, những dòng ghi chú giúp bạn sau này đọc lại hoặc phân tích mã, và ghi chú không xuất hiện cùng nội dung trang web khi người duyệt web xem trang web, chỉ cần tạo một dòng/ vài dòng như bên dưới:

Comment trong HTML, 3 cách trên đều được

Quy ước trong CSS

Một khối CSS có cấu trúc:

  1. Selector theo đúng quy định viết CSS
  2. Dấu sừng trâu mở
  3. Các luật (rule): gồm phần bên trái là property kèm dấu hai chấm, bên phải là giá trị
  4. Dấu sừng trâu đóng
Một khối mã CSS (block of CSS code)

Để tránh việc sai sót, ngay khi viết bạn nhập selector xong, nhập dấu sừng trâu mở, dấu sừng trâu đóng rồi lùi con trỏ lại giữa hai dấu sừng trâu, bấm phím Enter để nhập các rule.

Viết lần lượt các khối CSS theo trình tự xuất hiện của các element trong HTML.

Ghi chú (comment) trong CSS được bắt đầu với dấu chém tới (slash), tiếp theo là dấu hoa thị/ dấu sao (asterisk), nội dung ghi chú, và đóng bằng dấu hoa thị, rồi đến dấu chém. Minh họa:

Comment trong CSS
Ghi chú trong CSS

Quy ước trong JavaScript

JavaScript là ngôn ngữ phân biện chữ HOA, chữ thường. Do đó, không được tự tiện viết theo ý bạn mà phải viết giống đoạn mã minh họa vì có khi chỉ sai 1 ký tự mà toàn bộ đoạn mã bị đổ vỡ.

File JavaScript đặt trong thư mục js ngang cấp với file HTML bạn đang sử dụng để khi dùng, sử dụng đường dẫn tương đối tham khảo đến file.

Đặt các file JavaScript (tức file .js) trong thẻ SCRIPT trước thẻ BODY đóng. Trông như sau:

Vị trí đặt thẻ SCRIPT gọi file JavaScript vào HTML

Ghi chú trong JavaScript: nếu comment ngay trong dòng mã đang viết, hãy sử dụng hai dấu slash liên tục rồi đến nội dung ghi chú.

Nếu comment là một đoạn, sử dụng lần lượt dấu slash, dấu hoa thị, nội dung comment, dấu hoa thị, dấu slash giống với ghi chú CSS đã đề cập bên trên (xem hình có số 2 trong vòng tròn màu đỏ).

Một số khái niệm căn bản

Thư mục (directory/ folder trong lĩnh vực máy tính): khái niệm quen thuộc cho mọi người dùng máy tính trên mọi hệ điều hành. Nó là một tên đại diện để nhóm các tập tin lại với nhau, khi xóa thư mục, đồng nghĩa với các thư mục, tập tin bên trong nó cũng bị xóa.

Đường dẫn (path): để chỉ vị trí của một thư mục hoặc một tập tin (file) cần chỉ định. Nhà cửa có địa chỉ, một thư mục/ tập tin đối với hệ điều hành cũng có một đường dẫn để chỉ định nó. Trong hệ điều hành Windows, ký tự phân cách các thư mục là dấu slash ngược (dấu \). Trong khi học HTML, bạn sử dụng dấu slash xuôi (dấu /) để viết.

Phần mở rộng của file (file extension): trong khi học HTML bạn sẽ luôn thấy file có phần mở rộng, còn gọi là đuôi, hoặc chấm. Ví dụ: .html, .png, .jpg, .js, .css. Các đuôi file nên dùng chữ thường để tránh rắc rối khi xuất bản trang web của bạn lên hosting, gây lỗi. Nguyên nhân lỗi là do Windows không phân biệt chữ HOA, chữ thường trong tên file, phần mở rộng, nhưng hệ điều hành khác phân biệt chữ HOA, chữ thường.